90% giúp việc gia đình không ký hợp đồng lao động

ANTD.VN - Ngày nay, giúp việc gia đình đã trở thành một loại hình lao động phổ biến, tính trung bình cứ 13 lao động làm công ăn lương thì có một người là giúp việc gia đình.

Đa số người giúp việc gia đình không muốn kí hợp đồng lao động

Mức sống ngày tăng cộng với áp lực công việc khiến nhiều gia đình, nhất là những cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ rất cần người giúp việc. Theo thống kê của ILO, trên thế giới, cứ 13 phụ nữ làm công ăn lương thì có 1 người giúp việc gia đình giúp việc gia đình.

Tại Việt Nam, tỷ lệ giúp việc gia đình tăng trong những năm gần đây. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD), lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam có tới trên 98% là phụ nữ, trong đó khoảng 75% là người từ địa phương khác tới và có tới trên 96% lao động giúp việc chưa qua đào tạo.

Lao động giúp việc cũng có trình độ học vấn khá thấp (77% lao động chỉ học từ tiểu học đến THCS).

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc đa số người giúp việc gia đình chưa tiếp cận được với các thông tin pháp luật nên chưa hiểu hết về quyền lợi của mình.

Giúp việc gia đình đã được coi là một nghề, tuy nhiên, các khảo sát liên quan đến nhóm lao động này cũng đã chỉ ra gần 90% lao động giúp việc gia đình đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở để đòi quyền lợi.

Theo các chuyên gia về giới, định kiến giúp việc gia đình tại Việt Nam còn nặng nề, chưa xem đây là nghề.

Bản thân người lao động giúp việc gia đình không muốn ký hợp đồng lao động do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin. Trong khi đó, người giúp việc lại không muốn ký hợp đồng do thiếu hiểu biết hoặc không nắm được thông tin. Về phía chủ sử dụng lao động lại không muốn ký hợp đồng vì lắm ràng buộc.

Chỉ ra khó khăn trong việc ký hợp đồng lao động giữa người giúp việc và chủ sử dụng lao động, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH Tống Thị Minh cho hay, đối với công việc giúp việc gia đình chủ sử dụng có thể là một thành viên trong hộ được ủy quyền; hoặc một người giúp việc làm cho vài gia đình trong một mái nhà nên không biết ký hợp đồng với ai.

Đa số người giúp việc gia đình chỉ làm trong thời gian ngắn hoặc thay đổi công việc liên tục cũng khiến họ ngại và bỏ qua thủ tục này. Bên cạnh đó, mục đích người giúp việc di cư là để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nên muốn trả lương theo tháng, không muốn kí hợp đồng lao động để tránh phải tham gia bảo hiểm xã hội.