8 loại thực phẩm tốt nhất chăm sóc cho bé bị bệnh tay chân miệng

ANTD.VN - Bệnh tay chân miệng đang có diễn biến rất phức tạp với số ca mắc mới liên tục gia tăng trên cả nước. Khi có con mắc tay chân miệng, các bậc phụ huynh cần biết những món ăn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng cho bé để giúp các bé mau có sức khỏe vượt qua cơn bệnh.

1. Cháo loãng hoặc súp

 Bé cần tinh bột ngay cả khi bị tay chân miệng. Cơm hay cháo bình thường có thể gây đau đớn cho bé khi nhai nuốt, hãy cho trẻ ăn cháo – súp loãng để giúp trẻ dễ ăn hơn. 

Súp có thể nấu kết hợp với các loại thịt, tránh cá và đồ ăn có vị tanh. Nên sử dụng củ quả như bí đỏ, đậu đỗ, khoai tây thay cho rau.

2. Sữa

 Các vết loét ở lưỡi và lợi sẽ khiến các bé rất khó mà nhai, nuốt được. Một ly sữa mát sẽ giúp bé cảm thấy dịu lại trong miệng. Mẹ nên cho bé uống từng chút, chia nhiều lần trong ngày. Sữa chứa nhiều protein giúp bé mau hồi phục, đồng thời cung cấp nước để bù lại những cơn sốt làm bé hao kiệt.

3. Trứng

 Trứng bao gồm nhiều protein, vitamin, chất đạm và khoáng chất… rất tốt cho con của bạn.
Ăn trứng cho cảm giác mềm, nó không gây nghiêm trọng thêm các vết loét, không khiến trẻ đau đớn trong quá trình nhai nuốt.

4. Kem

Cảm giác lạnh của kem có thể giảm đau tạm thời và giúp bé dễ chịu hơn đối với các vết lở loét trong khoang miệng. Nên cho bé ăn các loại kem trái cây để vừa giảm đau, vừa bổ sung dinh dưỡng. Tránh các loại kem ca cao, kem socola vì chúng có thể khiến các vết loét nghiêm trọng hơn.

5. Đu đủ

 Đu đủ có vị ngọt, ăn vào cho cảm giác mềm mát. Nó sẽ không ma sát lên các vết loét trong khoang miệng trong khi còn làm dịu chúng. Trong Đu đủ bao gồm rất nhiều vitamin có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể của bé giúp việc điều trị tay chân miệng ở trẻ em trở nên dễ dàng hơn.

6. Sữa chua

 Miệng đau nên bé rất thích ăn đồ ăn man mát và mềm dịu. Sữa chua là một lựa chọn rất tốt cho trẻ mắc bệnh Tay chân miệng. Sữa chua sẽ giúp bé thấy dễ chịu và bổ sung lợi khuẩn giúp bé tiêu hóa tốt hơn. 

Mẹ nên cho bé ăn sữa chua dạng mềm chứ không để đông đá. Cần lưu ý là nếu bé đang sử dụng kháng sinh thì không nên cho bé ăn bởi kháng sinh sẽ diệt cả lợi khuẩn trong sữa chua, sẽ không có tác dụng.

7. Hải sản

 Với trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ nên bổ sung kẽm, một vi chất dinh dưỡng quan trọng giúp con nhanh khỏi bệnh hơn. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như hải sản.

8. Nước trái cây và sinh tố hoa quả 

 Bố mẹ nên cho con uống nhiều nước trái cây như cam, bưởi để bổ sung vitamin C. Bổ sung thêm cho con các loại quả có màu đỏ, vàng như dưa hấu, cà chua, nước ép để cung cấp vitamin A, giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm lành nhanh các tổn thương.