7 nguyên nhân dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nằm ngoài tầm kiểm soát

ANTD.VN - Chúng ta đều biết rằng, chế độ ăn uống không hợp lý và thiếu hoạt động thể chất - 2 yếu tố lối sống này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, còn một số lý do khác gây bệnh ít biết đến, thậm chí chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

7 nguyên nhân dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nằm ngoài tầm kiểm soát ảnh 1

Không ăn gluten 

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ với gần 200.000 người, những người thường xuyên ăn ít gluten tăng 13% khả năng phát triển bệnh tiểu đường  so với những người khác. Điều đó có thể là do những người tránh ăn gluten có xu hướng ăn ít ngũ cốc nguyên chất giàu chất xơ hơn - yếu tố đóng vai trò quan trọng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chế độ ăn nhiều chất xơ có liên quan đến sự cải thiện độ nhạy insulin, giảm viêm, hạ huyết áp và giảm cholesterol.

Dành quá nhiều thời gian một mình

Nghiên cứu cho thấy rằng sự cô lập xã hội gắn liền với nguy cơ cao hơn đối với bệnh tiểu đường tuýp 2. Trên thực tế, phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 75 không tham gia các hoạt động xã hội có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 112% so với những người có sự kết nối xã hội thường xuyên. Theo các nhà khoa học, những người cô lập bản thân khỏi gia đình và bạn bè có nhiều khả năng bị trầm cảm - đó là yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường.

Uống ít cà phê

Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, những người cắt giảm tiêu thụ cà phê ít nhất 1 cốc mỗi ngày trong khoảng thời gian 4 năm tăng 17% khả năng bị bệnh tiểu đường so với những người uống nhiều cà phê hơn. Và những người bổ sung thêm 1 cốc thậm chí còn tốt hơn - giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường xuống 11%. Theo các chuyên gia, việc uống cà phê thúc đẩy mức đường trong máu ổn định hơn. Tuy nhiên, nên uống cà phê không đường để phát huy tác dụng. 

Sử dụng nước súc miệng

Trong một nghiên cứu của Đại học Alabama, những người súc miệng 2 lần mỗi ngày có khả năng chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 55% trong vòng 3 năm so với những người không sử dụng. Nước súc miệng hoạt động bằng cách loại bỏ vi khuẩn ra khỏi miệng, trong đó có cả vi khuẩn xấu và vi khuẩn tốt. Những vi khuẩn có lợi được cho là đóng một vai trò trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. 

Ăn quá nhiều muối

Tiêu thụ natri dư thừa có thể khiến bạn dễ bị thừa cân hoặc tăng huyết áp - 2 yếu tố nguy cơ tiểu đường. Việc sử dụng quá nhiều muối cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính kháng insulin, theo các nhà nghiên cứu Thụy Điển. Trong thực tế, cứ mỗi 1.000 mg natri tiêu thụ, nguy cơ bệnh tiểu đường tăng 43%.

Sử dụng statin

Theo các nhà khoa học việc dùng statin cũng có liên quan đến nguy cơ tăng nhẹ đối với bệnh tiểu đường tuýp 2. Theo một phân tích năm 2010 gồm 13 nghiên cứu với 91.000 người tham gia, kết quả được công bố vào năm 2017, cho thấy rằng việc sử dụng statin làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường lên tới 36%. 

Kem đánh răng

Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi trường Đại học Texas đã liên hệ titan đi-ô-xít (titanium dioxide) với bệnh tiểu đường tuýp 2. Đây là một loại hóa chất, thường được gọi là bột trắng, và dùng để làm một số sản phẩm trở nên trắng hơn - trong đó có cả thực phẩm và kem đánh răng. Mặc dù titan đi-ô-xít được coi là sản phẩm tiêu dùng an toàn, một số nhà khoa học Mỹ tin rằng chúng có thể gây ra các tác dụng phụ. Họ cho rằng, loại hóa chất này có thể làm tổn thương tuyến tụy và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất insulin trong cơ thể.