6 cách ngăn ngừa yếu xương

ANTD.VN - Trong khi các yếu tố như tuổi tác và giới tính ảnh hưởng đến nguy cơ bị loãng xương, bạn có thể thay đổi lối sống để giảm nguy cơ này.

Đi bộ nhanh trong 10 phút, 3 lần một tuần. Đi bộ hay chạy giúp xương chắc khỏe, lý tưởng nhất là cần kết hợp hoạt động “chân trên mặt đất” với tăng cường sức bền dẻo của cơ như tập tạ và bơi lội. Người lớn từ 19-64 tuổi nên tập các bài vận động cỡ trung bình khoảng 150 phút mỗi tuần, mục tiêu là 3 lần đi bộ nhanh khoảng 10 phút. Người có tuổi nếu luôn vận động thì ít khả năng bị ngã và nếu không ngã, họ ít có khả năng bị gãy xương hơn.

Không hút thuốc, đặc biệt là lúc trẻ. Hút thuốc có ảnh hưởng đến các tế bào tạo xương, nhất là với những người dưới 30 tuổi, xương vẫn đang ở giai đoạn phát triển. Người hút thuốc lá có nguy cơ gia tăng bệnh loãng xương và gãy xương, do đó, chỉ cần ngưng hút thuốc lá là có thể cải thiện độ chắc khỏe của xương.

Đừng quá gầy. Thừa cân, béo phì tất nhiên là không tốt cho xương bởi nếu di chuyển, trọng lượng càng nặng, càng gia tăng áp lực đối với bộ xương. Tuy vậy, cơ thể sinh ra một số nội tiết tố estrogen giữ cho xương chắc khỏe trong lớp mỡ. Ở tuổi mãn kinh, khi buồng trứng không còn sản sinh ra estrogen thì phụ nữ gầy quá sẽ khó có được lợi ích nói trên.

Ngoài canxi, vitamin D cũng quan trọng không kém. Ai cũng biết, phòng chống loãng xương cần bổ sung canxi, nhưng tốt nhất là từ các thực phẩm tự nhiên. Một lưu ý quan trọng là, để hấp thụ canxi tốt, mỗi người cần khoảng 10 microgram vitamin D mỗi ngày, 90% từ ánh sáng mặt trời và 10% từ chế độ ăn uống (như dầu cá).

Liệu pháp thay thế hormone. Phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao gấp 4 lần so với nam giới, vì hàm lượng estrogen giảm ở thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp thay thế hormone có thể giúp duy trì xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương.

Nhận biết về nguy cơ. Người già một khi đã gãy xương thì lâu  phục hồi và dễ tái phát. Một trong những điều hữu ích bạn có thể làm cho người thân của mình là thường xuyên kiểm tra những mối nguy hiểm tiềm năng trong nhà như thảm, tay vịn hay sàn phòng tắm dễ trơn trượt.

Ngoài ra, đối tượng có nguy cơ loãng xương cao là người cao tuổi, phụ nữ, người nhẹ cân hoặc bất động, người đã từng gãy xương, người hút thuốc lá, uống nhiều rượu hoặc dùng steroid điều trị viêm khớp dạng thấp. Trong một số trường hợp, chụp mật độ xương là biện pháp hữu ích để chẩn đoán sớm và điều trị loãng xương kịp thời.