2-3% ca mắc corona tử vong, các trường hợp bệnh lây lan trên toàn cầu có thể tiếp tục tăng

ANTD.VN - Dịch Corona là dịch bệnh nguy hiểm thứ sáu trong lịch sử được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, còn ở Việt Nam đến lúc này vẫn chưa từng một lần công bố tình trạng khẩn cấp y tế…

PGS.TS Trần Đắc Phu trả lời báo chí về dịch bệnh Corona

20-25% ca mắc Corona diễn biến nặng, 2-3% tử vong

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 31-1-2020, WHO tuyên bố dịch viêm phổi do nCoV là “sự kiện y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu” (PHEIC). Đây là lần thứ sáu PHEIC được tuyên bố.

5 lần trước WHO từng công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu gồm: Đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, bệnh bại liệt năm 2014, đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, dịch do virus Zika năm 2016, đại dịch Ebola ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 2019.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh do nCoV hiện nay, WHO đưa ra đánh giá, dự kiến các trường hợp bệnh lây lan trên toàn cầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, tất cả các quốc gia, bao gồm Việt Nam, cần tiếp tục cảnh giác và chuẩn bị kiểm soát lây nhiễm nCoV.

Cũng theo theo thông tin từ WHO tại Việt Nam, đến thời điểm này, tỷ lệ tử vong do virus corona gây ra đang ổn định ở mức 2-3% và tỷ lệ các ca bệnh nghiêm trọng chiếm khoảng 20-25% tổng số ca mắc.

“Dù vậy, vẫn còn rất nhiều điều chưa được biết về loại virus mới này và WHO đang theo dõi sát tình hình. Chúng ta cần thêm thông tin trước khi đưa ra kết luận cụ thể về vấn đề này” – đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Về nguy cơ dịch bệnh nCoV xảy ra tại Việt Nam, WHO cho rằng, Việt Nam đã có các trường hợp dương tính với nCoV. Khi dịch bệnh chưa kết thúc, vẫn có thể xảy ra các trường hợp mắc bệnh nCoV đơn. Theo đánh giá của WHO, Việt Nam đã rất nỗ lực để kiểm soát, phòng ngừa và đáp ứng với nCoV.

Vì sao Việt Nam chưa lần nào công bố tình trạng khẩn cấp y tế?

Dịch Corona là dịch bệnh nguy hiểm thứ sáu trong lịch sử được WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, còn ở Việt Nam đến lúc này vẫn chưa từng một lần công bố tình trạng khẩn cấp y tế.

Lý giải việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, ngay cả năm 2009, khi số lượng người mắc virus H1N1 ở Việt Nam lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó chúng ta cũng không công bố tình trạng khẩn cấp y tế.

Ông Phu phân tích, theo Điều 42 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp; việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh…

“Tại Việt Nam, tùy tình hình dịch, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan sẽ có tham mưu với Chính phủ để có đáp ứng phù hợp” - PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin.