2 người phụ nữ, chung 1 nỗi đau: Khóc vì quá đau, đau… không thể khóc

ANTD.VN - Vừa tốt nghiệp đại học, cô gái trẻ ấy hồi hộp chờ đợi những cơ hội và thử thách trước mắt. Trong vô số dự định đã lên kế hoạch, có lẽ tìm một công việc để học hỏi và kiếm tiền phụ giúp gia đình là dự định lớn nhất của em. Nhưng bất ngờ tai họa ập xuống, em nằm một chỗ hứng chịu những cơn đau dồn dập, đau thân thể và đau cả tinh thần, vì số tiền chữa trị quá lớn. Tất cả nỗi đau ấy khiến em không còn nước mắt để trào ra… Và cạnh giường bệnh, mẹ em bật khóc vì quá đau đớn, bởi từ giờ, nhà bà có tới hai người phải nằm một chỗ…

Tai họa bất ngờ giáng vào cô gái trẻ 

Vừa tốt nghiệp khoa Tài chính Ngân hàng của Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Đoàn Tú Linh (23 tuổi, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lập tức lên kế hoạch tìm việc để sẵn sàng lao vào dòng đời bươn chải, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Hoàn cảnh nhà Linh khá khó khăn, khi mẹ em – bà Đỗ Minh Thảo (SN 1957) – nghỉ hưu sớm từ năm 1993 theo diện “về nhận 1 cục tiền”, và không có lương hưu. Bố em là ông Đoàn Đình Thọ (SN 1957) đang làm công nhân điện thì không may bị tai biến vào năm 2014, và từ đó tới nay, người đàn ông trụ cột của gia đình buộc phải sống thực vật…

Điều đó giải thích tại sao cô gái trẻ ấy lại mong ngóng tới ngày được cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay đến vậy, để lao vào cuộc mưu sinh và chung vai đỡ gánh nặng tài chính của gia đình.

Thế nhưng, quả không ai có thể nói được chữ ngờ. Mẹ Linh kể, sau Tết Nguyên đán vừa rồi, em bỗng nhiên có biểu hiện sức khỏe bất thường, như mệt, ho, đau đầu và sốt nhẹ.

Khi mẹ em đề nghị đưa đi khám, Linh nhất mực lắc đầu, cho rằng mình không sao và không cần khám. Có lẽ, trong suy nghĩ của cô gái trẻ ấy, sức vóc của một thanh niên đang tràn đầy sức sống và sẵn sàng lao vào cuộc mưu sinh thì không có chỗ cho bệnh tật…

Linh không ngờ bạo bệnh đến với mình trong thời điểm em cảm thấy sung sức nhất

Vậy mà, tới ngày 19-3 vừa qua, Linh yếu đi thấy rõ, tới mức đứng không được vững. Mẹ em hốt hoảng đưa con vào bệnh viện để khám, thì được chẩn đoán ban đầu là có vấn đề ở phổi. Chuyển liên tiếp qua 2 bệnh viện chuyên về phổi, Linh lại được chẩn đoán viêm cơ tim. Sau một thời gian nằm trong Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai để xử lý các vấn đề tim – phổi, Linh tiếp tục được chuyển tới phòng cấp cứu của Khoa dị ứng, vì nghi mắc lupus ban đỏ.

Đây là căn bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Ở người mắc lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ, gây bệnh, mà quay ra chống lại cơ thể bằng cách sinh ra các kháng thể kháng lại các tế bào của hầu hết các cơ quan.

Vậy là suốt 10 ngày liên tiếp, Linh phải trải qua hàng loạt giường bệnh cấp cứu ở các khoa khác nhau, trong tình trạng ngày càng yếu, tứ chi mất cảm giác, mất khả năng vận động.

Còn gia đình em đã ở trong hoàn cảnh khó khăn, giờ lại càng khó khăn gấp bội phần…

2 người phụ nữ, chung 1 nỗi đau, và những giọt nước mắt ám ảnh

Tôi đến Khoa Dị ứng của bệnh viện Bạch Mai vào buổi trưa một ngày giữa tuần, khi tiết trời chuyển nắng nhẹ, như khích lệ mọi người hào hứng hơn với công việc của mình. Bởi thế, đường phố như đông hơn, mỗi người như hối hả hơn trong guồng quay nhộn nhịp của cuộc sống.

Điều đó trái ngược hoàn toàn với những gì đang diễn ra trong phòng cấp cứu của Khoa. Bởi đây là nơi điều trị cho những bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng nhất, nguy kịch nhất, nên không khí trầm lặng dường như bao trùm tất cả, ngoại trừ lúc các y bác sĩ tiến hành cấp cứu cho một ca bệnh nào đó.

Tôi nhận ra Linh trên giường bệnh, với những gì có thể phản ứng, cử động và tỏ ra tiếp nhận thông tin chỉ còn là đôi mắt trũng sâu.

Tôi đã xin gặp bà Thảo – mẹ Linh – trước, để ghi nhận thông tin về hoàn cảnh gia đình.  Cố hết sức để tiếp chuyện trên hàng ghế bệnh viện, trong một góc hành lang vắng người, bà Thảo tỏ rõ sự mệt mỏi của người phải thức trắng nhiều đêm liền.

Bà bảo, suốt 4 năm nay, bà đã quen với việc chăm sóc người khác, khi chồng bà bị tai biến phải sống thực vật từ năm 2014. Một năm trở lại đây, bà kiêm thêm vai trò trông cháu nội vừa chào đời. Tất cả sự vất vả đó, cộng với nỗi lo tài chính hạn hẹp thường trực của gia đình, khiến người phụ nữ tuổi Đinh Dậu này hiếm khi nở được nụ cười.

Nhưng có lẽ dù vất vả tới mấy, bà cũng không ngờ được cuộc đời lại có thể giáng thêm những khó khăn ngoài sức tưởng tượng đến vậy. Bao công sức chăm lo để chờ ngày nhìn thấy con gái tự đứng vững trên đôi chân của mình, bà như ngã khuỵu trước biến cố lần này…

Mẹ Linh nhiều lần không kìm được nước mắt khi nói về những nỗi đau mà bà đã và đang phải trải qua

Bà Thảo thất thần bảo rằng, nhà neo người quá, nên gần như chỉ có bà bám viện, chăm Linh. Chồng bà buộc phải để ở nhà, và chỉ được ăn một bữa từ sáng cho tới tối muộn… Nói tới đây, người phụ nữ khốn khổ bật khóc, nước mắt lăn dài như giúp bà xả bớt nỗi muộn phiền, hay những giọt nước mắt đó thay lời cho câu hỏi mà bà muốn gửi tới số phận: Sao cuộc đời lại đối xử nghiệt ngã với tôi đến vậy?

Vừa gạt nước mắt để trấn tĩnh đôi chút, bà Thảo lại run lên và bật khóc thành tiếng khi nhắc tới tình trạng của con gái, “từ hôm đi viện tới giờ, đã hết 70 triệu đồng rồi, mà em vẫn yếu lắm. Bác sĩ bảo có thể tử vong bất kỳ lúc nào…”. Và bà lại khóc, đôi bàn tay nhăn nheo, rúm ró, bám chặt vào nhau như tự trấn an chính mình.

Câu chuyện khép lại, tôi tiến vào phòng bệnh thăm Linh, trong đầu không khỏi ám ảnh lời nói nghẹn của người mẹ đang run rẩy trong đau đớn, “Linh đòi mẹ cho về suốt, vì em bảo hãy để con chết ở nhà, gia đình mình khổ quá rồi, không lo nổi nữa đâu…”

Trước mặt tôi khi ấy là cô gái 23 tuổi, xanh xao, cơ thể lọt thỏm trong bộ quần áo bệnh nhân và chiếc chăn lùng bùng phía trên. Một cảm giác xót xa, tiếc nuối tới khó tả lan tỏa trong suy nghĩ! Em gần như chỉ có thể cử động đôi mắt, để biểu hiện bản thân lắng nghe người đối diện nói gì.

Cánh tay Linh chằng chịt vết thâm tím, sau vô số lần phải cắm kim tiêm, kim truyền vào tay. Nó không còn dáng vẻ của một cánh tay thanh niên tràn đầy sức sống, biến ước mơ, hoài bão thành hiện thực nữa. Giờ đây, nó đang trở thành nơi cắm vô số kim và ống, để hy vọng cứu sống một cơ thể đang ngày kiệt quệ…

Tôi định đặt bàn tay mình lên tay Linh, để động viên em cố gắng. Nhưng tôi đã không thể làm như vậy. Vì lúc này, căn bệnh quái ác vẫn đang cướp đi cảm giác của em, khiến em không thể cử động nổi.

2 người phụ nữ, chung 1 nỗi đau: Khóc vì quá đau, đau… không thể khóc ảnh 3

Bạn bè của Linh không tin được, cô bạn "ít nói, hiền lành và hay giúp đỡ người khác" lại phải nằm một chỗ như thế này...

Linh nằm đấy, đôi mắt trũng sâu và thâm quầng, thể hiện ánh nhìn như vô vọng khiến người đối diện phải ám ảnh… Em không khóc, có lẽ bởi cú sốc quá bất ngờ và những cơn đau thể xác, tinh thần hành hạ trong suốt 10 ngày qua khiến em không còn đủ nước mắt để khóc nữa.

Tôi chỉ biết an ủi, động viên Linh và mẹ cố gắng vượt qua cơn bĩ cực này, và chia tay trong tiếc nuối. Cho tới khi bước ra đường lớn, tôi vẫn không dứt được sự ám ảnh về hoàn cảnh của em.

Trong căn phòng cấp cứu nhuốm màu trầm lặng ấy, có một cô gái còn rất trẻ đang nằm một chỗ, đau những nỗi đau hữu hình và vô hình tới độ chẳng thể khóc nổi, bên cạnh là người mẹ đau khổ rơi từng giọt nước mắt vì thương chồng, thương con. Họ là hai người phụ nữ đáng thương, cùng chịu chung một nỗi đau khôn tả, và vẫn chưa biết tới khi nào nỗi đau đó mới kết thúc…

Liệu tôi còn cơ hội gặp lại Linh lần nữa, để hoàn tất câu chuyện có hậu về em hay không? Câu hỏi này, có lẽ, sẽ cần nhiều người giúp sức thì mới tìm ra được một câu trả lời thực sự... có hậu!