19% số ca ung thư dạ dày liên quan đến việc ăn thiếu rau và trái cây

ANTD.VN - Tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có 8 mắc bệnh không lây nhiễm, trong đó chế độ ăn uống là một nguyên nhân quan trọng. Tính trên toàn cầu, chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân của hơn 19% tổng số ca tử vong trong năm 2017.

Chế độ ăn thiếu rau và hoa quả gây ra nhiều bệnh về dạ dày, đường ruột

Ngày 19-11, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo quốc tế về kiểm soát chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại Châu Á: Tiếp cận khu vực để nâng cao năng lực đáp ứng” - do Viện Vệ sinh dịch Tễ Trung ương đứng ra tổ chức.

Theo các báo cáo tại hội thảo này, bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống đang gia tăng ở nhóm trẻ tuổi, gây ra gáng nặng kinh tế lâu dài cho xã hội.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ dinh dịch Tễ Trung ương cho biết, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa, môi trường thực phẩm và thói quen ăn uống của cộng đồng đang có những thay đổi bất hợp lý.

“Đây là thời điểm không sớm nhưng cũng không quá muộn để suy nghĩ nghiêm túc và hành động nhanh chóng để cải thiện môi trường thực phẩm và hành vi lựa chọn thực phẩm, tiến tới kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống” – GS Đặng Đức Anh nói.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, hiện tại, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư. Ước tính có đến 8/10 ca tử vong ở Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm.

Cụ thể, Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp. Gần 60% số này chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Hơn 3 triệu người bị tiểu đường thì gần 70% chưa phát hiện bệnh…

Theo các chuyên gia, chế độ ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ. Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác...

Trong khi đó, điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, hơn 50% người trưởng thành ở nước ta ăn thiếu rau hoặc trái cây. Người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mặt khác, tỷ lệ thừa cân béo phì ở nước ta cũng đang tăng nhanh.

"Dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là ưu tiên hàng đầu trong dự phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.