10 sai lầm phổ biến nhất khi uống thuốc mọi người đều mắc phải

ANTD.VN - Những thói quen sai lầm khi sử dụng thuốc tưởng chừng như vô hại nhưng nó không những khiến thuốc mất đi tác dụng, thậm chí còn gây nguy hiểm cho sức khỏe

Nghiền nát thuốc ra uống khi khó nuốt

Đây là sai lầm thường gặp, đặc biệt khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ. Có nhiều dạng thuốc viên không nên nhai hoặc nghiền, bẻ nhỏ. Việc làm này sẽ phá vỡ cấu trúc giải phóng, làm thay đổi dược động học của thuốc và có thể dẫn đến mất hoặc giảm hiệu quả điều trị hoặc xảy ra độc tính cho người dùng. Một số loại thuốc được bào chế dưới dạng tác dụng chậm, phóng thích dần vào cơ thể, nếu bạn nghiền nhỏ ra, thuốc sẽ cho tác dụng cấp tập một lần, gây nguy hiểm

Quên uống thuốc, lần sau uống liều gấp đôi

Việc quên không uống kháng sinh hay bất cứ loại thuốc nào trong quá trình điều trị, thì phải uống liều kế tiếp càng sớm càng tốt. Có lẽ, bạn phải đẩy giờ uống thuốc của liều tiếp theo sớm hơn dự định. Sớm hơn được bao nhiêu càng sớm càng tốt bấy nhiêu. Liều uống tiếp theo được giữ nguyên theo đơn bác sỹ kê hoặc dược sỹ hướng dẫn.

Bạn tuyệt đối không được bỏ luôn liều kế tiếp cho hết ngày, đợi đến ngày hôm sau mới uống tiếp cho đầy đủ và cho chẵn ngày. Việc quên thuốc rồi uống "bù" cùng với liều kế tiếp 2 lần là sai lầm lớn không chỉ gây ra tác dụng phụ mà còn tạo gánh nặng không nhỏ cho cơ thể.

Uống thuốc trung lặp thành phần

Không ít người thường xuyên rơi vào tình trạng uống lặp thuốc có cùng thành phần, không chỉ tốn tiền mua thuốc mà còn gây hại không nhỏ cho cơ thể. Trước khi mua, bạn cần kiểm tra kỹ thành phần thuốc.

Trộn thuốc uống cùng lúc

Làm như vậy, bạn sẽ khó tránh khỏi sự tương tác giữa các loại thuốc. Mỗi một loại thuốc có một tính năng và công hiệu riêng, nó có những tính chất và phản ứng khác nhau, có tác dụng đối với các bộ phận trong cơ thể con người và có công hiệu trong thời gian cũng khác nhau. Do đó, nếu uống nhiều loại thuốc cùng một lúc thì sẽ làm ảnh hưởng đến việc hấp thu, phân bố, trao đổi giữa các thuốc và sự đào thải thuốc ra ngoài cơ thể, cũng như sự kết hợp giữa các loại thuốc với nhau.

Nếu như loại thuốc có chất chua uống cùng với thuốc kháng sinh, sẽ làm giảm công hiệu của thuốc. Hai loại thuốc này nên uống cách nhau 2 - 3 giờ. Vì vậy, nếu bắt buộc phải uống nhiều loại thuốc thì nhất định phải sắp xếp thời gian và số lần cho hợp lý. Uống mỗi một loại thuốc ít nhất là phải cách nhau khoảng một giờ

Pha thuốc vào sữa cho dễ uống

Canxi có trong sữa có thể làm cản trở mức hấp thu của một số loại thuốc kháng sinh, do đó không nên dùng sữa để uống thuốc. Cách đúng nhất là dùng nước lọc ấm. Sữa, nước hoa quả, trà, côca, cà phê, rượu... đều có tương tác với thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí gây hại.

Nuốt viên thuốc mà không uống nước 

Nếu nuốt luôn viên thuốc, không dùng bất cứ loại nước nào sẽ gây tổn thương cho thực quản, đường ruột, nặng hơn có thể gây viêm loét thực quản, ăn mòn và làm thủng thành dạ dày sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tốt nhất dùng nước đun sôi để nguội hoặc mùa lạnh thì uống nước ấm là tốt nhất dùng để uống thuốc

Uống thuốc thẳng từ chai

Thường gặp với dạng thuốc nước. Cách uống này dễ làm thuốc bị nhiễm bẩn, nhanh biến chất, lại không thể kiểm soát chính xác liều lượng, dẫn đến không đạt hiệu quả điều trị hoặc quá liều

Tự thêm bớt lượng thuốc

Một số cha mẹ cảm thấy rất khó khăn để cho con uống thuốc nên khi thấy cho bé uống được vài lần, triệu chứng bệnh thuyên giảm thì quyết định tự ngừng uống thuốc giữa chừng hoặc khi thấy triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn thì lại tự ý tăng liều lượng.Không ít mẹ vẫn thường cho rằng, càng uống nhiều thuốc thì sẽ càng nhanh khỏi bệnh, nên lại tự ý tăng liều lượng thuốc, hành động này rất nguy hiểm thêm bởi thuốc nào cũng có tác dụng phụ và nếu uống sai liều lượng có thể gây ra ngộ độc cấp tính nghiêm trọng

Nằm uống thuốc

Một số bệnh nhân uống thuốc ở tư thế nằm hoặc uống thuốc xong lại đi nằm ngay. Đây cũng là một cách uống thuốc không đúng. Khi bạn uống thuốc ở tư thế này, thuốc chưa kịp trôi xuống dạ dày, rất dễ bị dính vào vách thực quản, không những giảm hiệu quả điều trị mà còn gây kích ứng thực quản, dẫn đến ho, viêm, thậm chí tổn thương thực quản. Bởi vậy, nên ngồi hoặc đứng khi uống thuốc, sau đó khoảng 10-15 phút mới nên đi nằm. 

Vận động ngày sau khi uống thuốc

Vừa uống thuốc xong đã tập thể thao hay tham gia vận động ngay là điều không nên làm. Thường phải sau 30-60 phút thì cơ quan tiêu hóa mới hấp thụ và thuốc mới phát huy tác dụng. Quá trình này cần có đủ lượng máu tham gia tuần hoàn. Việc vận động ngay sau khi dùng thuốc sẽ khiến các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, làm giảm hiệu quả hấp thu thuốc.