Đổi rừng lấy điện

ANTĐ -Đó là cách làm giữa người dân ở lưu vực Nhà máy thủy điện Nậm Lụng nhằm bảo vệ hàng nghìn ha rừng phòng hộ tại vùng biên giới Phong Thổ

Thiên tai, nhân tai…đều gây hậu quả cho cuộc sống một cách đáng tiếc. Điều đáng buồn hơn, tất cả những nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường đều là con người gây nên. Rừng đầu nguồn lá tấm lá chắn hữu ích trong những trận lũ, điều này ai cũng hiểu, song việc bảo vệ nó thì dường như chuyển thành hành động còn rất hạn chế.

"Rừng là vàng"

Cùng trong mục đích vì môi trường, nhằm đẩy mạnh diện tích trồng mới và bảo vệ rừng đầu nguồn hiệu quả, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu và Nhà máy thủy điện Nậm Lụng ký kết Ủy thác chi trả phí Dịch vụ môi trường rừng thuộc hơn 6 nghìn 200 hecta rừng phòng hộ trên 3 xã thuộc huyện biên giới Phong Thổ.

Nhà máy thủy điện Nậm Lụng sẽ ủy thác vô thời hạn cho Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Lai Châu để Quỹ này thực hiện chi trả phí Dịch vụ môi trường rừng cho các đối tượng là chủ hộ dân trong lưu vực có rừng. Mức chi trả được tính theo sản lượng điện mà nhà máy bán cho điện lực Lai Châu với số tiền 20 đồng/kw/ giờ.

Việc chi trả phí Dịch vụ môi trường rừng sẽ tạo sự gắn kết giữa đơn vị sử dụng môi trường với người bảo vệ rừng, tạo điều kiện để các hộ dân có rừng trong lưu vực tăng cường diện tích trồng mới và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng. Qua đó, giúp họ gắn bó lâu dài với rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới rừng đầu nguồn.