Đối phó với "kẻ giết người thầm lặng" như thế nào?

ANTĐ - Đó cũng là lý do người ta gọi bạo hành lời nói, bạo hành tinh thần là “kẻ giết người thầm lặng”, “giết người không dao” đặc biệt với những nạn nhân yếu đuối, dễ bị tổn thương, âm thầm chịu đựng bạo hành mà không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào.

Dấu hiệu bạn đang bị bạo hành

Nhận biết việc mình đang bị bạo hành là bước đi đầu tiên để bạn có thể đối phó với bạo hành lời nói, tinh thần.

- Bị gọi bằng những lời lẽ xấu xa, thô tục như: “Đồ vô dụng”, “Đồ ăn bám” và nhiều tên gọi còn kinh khủng hơn thế là một dấu hiệu của bạo hành về lời nói. Cách gọi đó khiến bạn cảm thấy bị hạ thấp. Một số người chồng bạo hành lời nói còn dùng những cách gọi có vẻ mang tính xây dựng, nói rằng “như thế chỉ tốt cho cô thôi”, nhưng thực ra đây là hình thức xảo quyệt nhất của bạo hành lời nói.

- Chế giễu, chỉ trích, làm cho bạn bẽ mặt khi chỉ có hai người hoặc trước mặt người khác.

- La hét, chửi rủa: Chỉ vì những lý do nhỏ nhặt, chồng bạn có thể nổi giận, la hét và chửi bạn.

- Đe dọa: Không nên coi nhẹ sự hăm dọa, thậm chí khi anh ta nói rằng mình chỉ đùa thôi, đặc biệt khi điều đó khiến bạn cảm thấy không an toàn, cảnh giác trước anh ta.

- Đổ lỗi: Chồng bạn nổi giận và chửi bới nhưng lại cho rằng đó là do lỗi của bạn, do hành xử hay lời nói của bạn. Anh ta cho rằng nếu bạn hoàn hảo anh ta sẽ không nổi điên lên như vậy.

- Không quan tâm đến cảm xúc của bạn: Chồng bạn từ chối nói chuyện về những vấn để khiến bạn thất vọng, chán nản. Họ cũng tránh bất kỳ chủ đề nào liên quan đến việc họ phải chịu trách nhiệm về hành động và lời nói của mình.

- Bạn thường xuyên tự hỏi mình tại sao bạn cảm thấy quá tồi tệ. Bạn cố gắng quên đi cảm xúc của mình, “đi nhẹ nói khẽ” để tránh xung đột, cố gắng hết sức để giữ hòa khí mỗi ngày. Bạn cảm thấy chán nản cùng cực và thậm chí tự nhủ “mình sẽ điên lên mất”.

- Cố gắng kiểm soát, thao túng bạn: Chồng bạn thường xuyên đe dọa bạn để khiến bạn phải làm điều gì đó hay khiến bạn không cảm thấy thoải mái. Hình thức này thường đặt dấu chấm hết cho các cuộc hôn nhân. Nếu chồng bạn không muốn ly dị, anh ta sẽ nói bất cứ điều gì để lợi dụng cảm xúc của bạn, khiến bạn phải chấp nhận tiếp tục chung sống với anh ta. Anh ta nỗ lực để bạn tuân theo ý muốn của mình, không quan tâm điều gì là tốt nhất cho bạn.

Theo kết quả nghiên cứu về bạo lực gia đình tháng 11/2010 tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành tinh thần trong đời rất cao, đến 54%, bị bạo hành tinh thần hiện tại chiếm 25%. Trong khi đó, cứ 3 phụ nữ thì có một người bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình

dục. Nghiên cứu có sự tham gia của gần 5.000 phụ nữ từ 18 đến 60 tuổi.

Ảnh hưởng của bạo hành lời nói

Một người chồng bắt gặp cảnh vợ ngoại tình, nhưng không hề đánh mắng vợ, chỉ xin người đàn ông kia 10.000 đồng. Từ đó, đến bữa ăn anh ta lại để tờ tiền đó lên mâm cơm. Khi đứa con hỏi xin tiền thì người cha chỉ vào tờ tiền mà nói: “Đây là tiền mẹ con kiếm được, con lấy mà tiêu”. Người vợ âm thầm chịu đựng sự hành hạ về tinh thần nhưng xấu hổ không dám nói với ai. Ba tháng sau thì người vợ chết. Người chồng cho rằng anh ta không hề bạo lực với vợ, không đòi ly hôn, chỉ muốn cảnh báo, giáo dục để vợ không tái phạm.

Đây là câu chuyện được các chuyên gia kể lại như một ví dụ điển hình cho bạo hành lời nói, bạo hành tinh thần trong một hội thảo về phòng chống bạo hành gia đình. Đó cũng là lý do người ta gọi bạo hành lời nói, bạo hành tinh thần là “kẻ giết người thầm lặng”, “giết người không dao” đặc biệt với những nạn nhân yếu đuối, dễ bị tổn thương, âm thầm chịu đựng bạo hành mà không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào.

Với nhiều lý do khác nhau, bạo hành tinh thần còn gây tổn thương tâm lý nặng nề hơn bạo hành thể lý. Bạo hành lời nói diễn ra hàng ngày, hằng giờ. Sức tàn phá của nó còn khủng khiếp hơn bởi nhiều nạn nhân có xu hướng coi đó là lỗi của mình. Nếu ai đó đánh bạn, dễ dàng nhìn thấy đó là lỗi của người kia. Nhưng với trường hợp này, khi sự tra tấn diễn ra tinh vi, kiểu như “cô vừa già vừa xấu, ngu đần, không biết làm mẹ...”, nạn nhân sẽ nghĩ rằng đó là lỗi của mình. Bạo hành lời nói thường tấn công vào tình cảm, tâm hồn, lòng tự trọng của bạn, khiến nhiều người cảm thấy mình kém cỏi, không có giá trị.

Khi chúng ta yêu và gắn bó với một ai đó, chúng ta thường mong đợi rằng người mình yêu sẽ quan tâm đến những gì chúng ta cảm thấy. Bởi vậy, khi người chồng chửi bới hay nói những lời ác ý mà không để ý tới sự đau đớn, tổn thương của vợ, để người vợ một mình chịu đựng vết thương, điều đó sẽ nhanh chóng khiến người vợ cảm thấy oán giận, thậm chí khinh thường người kia.

Khi bị bạo hành lời nói triền miên, người vợ sẽ bị căng thẳng tinh thần nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, cảm giác hạnh phúc cũng như sự tự trọng, tình yêu thương đối với bản thân.

Đối phó với bạo hành lời nói như thế nào?

Làm gì khi chồng mình hay nóng giận, chửi bới, bạo hành bằng lời? Cãi tay đôi với anh ta, chửi lại hay im lặng chịu trận? Bằng cách hành xử bình tĩnh, khôn khéo, những người vợ có thể tự bảo vệ mình, với những gợi ý dưới đây?

Cứ để anh ta xả hết những tức giận, bực bội của mình. Đừng cố tranh cãi với một người đang nóng giận. Điều này có thể khiến anh ta dừng việc chửi bới và không “leo thang” thành bạo lực thể xác.

Nói chuyện nhẹ nhàng với người kia. Với một người đang nói to, việc mình nói nhỏ và chậm hơn sẽ làm giảm cơn nóng giận. Không bao giờ hét to lại để khẩu chiến với người kia, hoặc thách thức anh ta chửi hay đánh mình. Hãy nói với chồng rằng bạn không chấp nhận cách hành xử này, có chuyện gì cần trao đổi có thể nói một cách nhẹ nhàng.

Nói với anh ta là cả hai cần thời gian để bình tĩnh lại. Bạn có thể ra ngoài đi dạo để thư giãn hơn, và cả hai có thể xử lý tình huống này sau đó.

Người vợ cần xây dựng và củng cố lòng tự tin, yêu thương chính bản thân mình. Một trong những lý do người vợ chấp nhận chịu đựng việc chồng coi thường, sỉ nhục mình là do họ tự ti, không trân trọng bản thân. Trong khi chỉ số ít người chồng, người vợ có sức mạnh để thay đổi bạn đời, mỗi cá nhân đều có sức mạnh để thay đổi chính bản thân mình. Thay vì tập trung vào điểm yếu của chồng, người vợ có thể tập trung vào điểm mạnh của bản thân, tìm cách tự cải thiện mình trong công việc, học những thứ mới, suy nghĩ tích cực, chăm sóc bản thân, tự tìm niềm vui cho mình. Tôn trọng bản thân và không cho phép người kia hạ nhục mình cũng là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế, chấm dứt bạo hành.

Trong trường hợp vẫn có thể cứu vãn mối quan hệ, người chồng vẫn còn thương yêu vợ nhưng không kiềm chế được khí nóng giận, hãy vạch ra giới hạn và điều kiện với anh ta. Nếu bạn im lặng và chịu đựng, bạn đang “khuyến khích” chồng tiếp tục hành hạ mình, và tính xấu của anh ta chẳng bao giờ thay đổi được. Một cách kiên quyết nhưng nhẹ nhàng, bạn cần phải cho người kia thấy rằng nếu sự bạo hành vẫn tiếp tục, bạn sẽ không chấp nhận và chia tay.

Để cứu vãn cuộc hôn nhân, chữa lành những vết thương do bạo hành, cả hai bên phải thống nhất và cùng nhau để làm cho mối quan hệ nhiều yêu thương hơn. Điều đó có nghĩa là cả hai bên phải quan tâm đến cảm xúc của người kia, thậm chí cả khi họ bất đồng về quan điểm và ý kiến của nhau. Bạn có thể thương lượng về những hành vi bạn không thích mà không dằn vặt chồng mình về những lỗi lầm trong quá khứ. Để có thể trở lại yêu thương nhau, bạn cần phải nhận ra những điều gì khiến bạn bị tổn thương, khi nào bạn giận dữ để giải tỏa cho bản thân, hàn gắn và cải thiện mối quan hệ.

Trong trường hợp bạo hành không thể chấm dứt, hãy kiên quyết chia tay. Điều này có thể đau đớn nhưng thà đau một lần còn hơn bị hành hạ tinh thần suốt đời. Do một người chồng bạo hành có thể không chấp nhận việc ly dị, đe dọa hoặc tìm mọi cách để níu giữ bạn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, các tổ chức xã hội nếu cần thiết.