Đời nối đời đạp sóng bám biển kiên cường bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

ANTĐ - Mỗi khi nghe tin ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi bị phá hoại ngư cụ, tàu thuyền bị đập phá, cướp tài sản, thậm chí tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng, tôi vẫn không hiểu vì sao họ vẫn bất chấp tất cả để bám biển. Nhưng có đến Lý Sơn, quê hương của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, đứng dưới ngọn cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới, đặt tay lên trái tim, tôi mới hiểu, hơn tất cả những mưu sinh cuộc sống thường ngày, với họ đó là tình yêu Tổ quốc…

Đời nối đời đạp sóng bám biển kiên cường bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ảnh 1

Những “cột mốc sống” chủ quyền trên Biển Đông

Từ Lý Sơn, ngư dân phải lênh đênh trên biển 1 ngày trời mới đến Hoàng Sa, còn đến với Trường Sa phải gần 2 ngày. Nghề biển nhọc nhằn. Trước mỗi chuyến ra khơi, ngư dân phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, xăng dầu, đá ướp cá cho hành trình có khi kéo dài đến hàng tháng trời. May mắn thì lãi được vài trăm triệu, có khi hòa vốn.

Nếu gặp phải tàu nước ngoài tấn công, không những bị lỗ, thậm chí tàu thuyền còn bị đập phá, tính mạng bị đe dọa. Hiểm nguy đến từ thiên nhiên và con người luôn rình rập, nhưng lạ một điều, hỏi bất cứ ngư dân nào, từ người phụ nữ chưa bao giờ đi biển, quanh năm bám mình vào ruộng tỏi hay bất cứ một đứa trẻ nào cũng chung câu trả lời, dù khó khăn, kể cả hy sinh tính mạng không bao giờ rời bỏ ngư trường, rời bỏ vùng biển truyền thống của ông cha để lại.

Họ luôn tự hào là con cháu của đội hùng binh Hoàng Sa anh hùng, quyết tâm sống chết bảo vệ ngư trường, để sau này con cháu được ra khơi bám biển. Ngư dân đảo Lý Sơn tự nguyện là “cột chủ quyền sống” trên Biển Đông.

Theo ông Phạm Thoại Tuyền - nhà nghiên cứu huyện đảo Lý Sơn, Lý Sơn là quê hương của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Hàng trăm năm trước, người dân đảo Lý Sơn được giao nhiệm vụ đi khai phá, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Biết rằng “đi dễ khó về”, nhưng người dân Lý Sơn coi đó là trọng trách, niềm tự hào được hy sinh để khai phá bảo vệ biển đảo. Giờ đây, hậu duệ của các “hùng binh” năm xưa vẫn kiên cường một lòng sống chết để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trò chuyện với người dân trên đảo, tôi cảm nhận hào khí hùng binh Hải đội Hoàng Sa của ông cha luôn trỗi dậy trong họ. Dù hiểm nguy rình rập nhưng những người ăn sóng gió ấy luôn giữ trong mình một quyết tâm, bảo vệ đến cùng ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Đời nối đời đạp sóng bám biển kiên cường bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ảnh 2

Những ngày đen tối

Theo người dẫn đường - Thượng úy Nguyễn Hoàng, cán bộ CAH Lý Sơn, chúng tôi đến nhà anh Dương Văn Giàu, thôn Tây, xã An Vĩnh. Theo cha đi biển từ ngày chỉ là một cậu bé, đến nay anh đã có gần 40 năm tuổi “nghề”, hiểu rõ tính nết, sự đỏng đảnh của sóng, của gió. 

Anh Giàu chia sẻ, vài năm trở lại đây, việc đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa gặp nhiều khó khăn hơn, bị tàu nước ngoài cướp hàng, phá hỏng ngư cụ, thậm chí ngư dân bị bắt với mức độ dày hơn.

Chính bản thân anh, mới đây nhất ngày 11-9-2015, cũng bị một tàu nước ngoài truy đuổi, cướp hàng, đập phá tài sản, đánh anh thừa sống thiếu chết. Đó là ngày mà anh dự định thu lưới sau hơn 1 tháng lênh đênh trên biển.

Ngồi trong buồng lái, anh nhẩm tính, sau chuyến đi biển này, anh và những thuyền viên sẽ có một khoản kha khá, đủ để trang trải cho mấy đứa trẻ vào năm học mới, tu sửa lại con tàu. Chưa kịp thu lưới, anh phát hiện 1 chiếc tàu nước ngoài đang đuổi theo từ phía sau. Rất bình tĩnh, anh Giàu ra lệnh cho thủy thủ mở máy chạy về hướng Việt Nam, chạy được khoảng hơn 1 hải lý, anh không thấy tàu nước ngoài đuổi theo nữa.

Thoáng yên tâm vì nghĩ mình đã thoát nạn, nhưng anh không ngờ đó chỉ là khúc dạo đầu. Tàu Trung Quốc sơn màu trắng không hề buông tha tàu cá của anh mà chuẩn bị lực lượng mang theo vũ khí, dùng canô rượt đuổi.

“Nhóm 10 người nước ngoài trang bị vũ khí và dùi cui điện đã nhảy qua tàu cá uy hiếp, bắt tôi sang bên tàu của họ, đánh đập và tra hỏi vì sao không dừng lại mà tự ý bỏ chạy. Vì tính mạng của mình và thuyền viên, tôi mặc kệ bọn chúng muốn làm gì thì làm, chỉ giơ tay đỡ đòn. Đánh đập chán, chúng bắt tôi yêu cầu thuyền viên hút cá sang tàu của bọn chúng. Tôi đành phải làm theo và chúng thả tôi về tàu của mình. Kiểm tra tàu, phát hiện chúng đã đập phá, cướp đi toàn bộ tài sản gồm 1 máy Icom, 1 máy định vị, 1 máy dò cá, 2 thúng chai và toàn bộ 400m dây hơi cùng 2 tấn cá vừa khai thác được, ước thiệt hại gần 200 triệu đồng” - anh Giàu nhớ lại.

Không thể bỏ nghề

Hỏi anh có nản không khi bị cướp phá như vậy, anh Giàu khảng khái, “Không bao giờ có chuyện đó. Không phải chỉ vì mưu sinh, mà chúng tôi kiên quyết bám biển bởi Hoàng Sa là máu thịt, là phần không thể tách rời của Tổ quốc. Chúng tôi được Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư tuyên truyền về mốc giới được phép của mình, do vậy không lý do gì chúng tôi lại từ bỏ. Nếu mình lùi thì họ sẽ tiến, thế hệ con cháu mai sau sẽ không biết đến Hoàng Sa, không biết đến những máu xương của cha ông đã đổ xuống đó và sẽ không còn… biển để mưu sinh. Hơn nữa mỗi lần trên biển, chúng tôi biết, phía sau mình là hơn 90 triệu đồng bào Việt Nam, mắt hướng về phía biển, đồng hành cùng chúng tôi thì không lý gì mình lại nao núng”.

Chiều 14-3, anh và các thuyền viên cho chiếc tàu cá số hiệu QNg-96452 TS di chuyển từ vũng neo trú tàu thuyền Lý Sơn về khu vực biển Vò Vò để tiếp nhu yếu phẩm chuẩn bị cho tàu vươn khơi Hoàng Sa. Nhưng không may, khoảng 1h30 ngày 15-3, sóng to gió lớn bất ngờ nổi lên khiến hệ thống dây neo bị sóng biển xô đứt, tàu cá bị dạt lên gò San hô rồi bị nhấn chìm. Chiếc thuyền của anh bị thủng đáy, không thể khắc phục. Anh Giàu nhẩm tính, thiệt hại trong vụ vỡ tàu này khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.

Hôm chúng tôi gặp anh, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thanh Mẫn cho biết đang tính toán xem bảo hiểm thanh toán như thế nào, vốn liếng của gia đình ra sao rồi lại đóng tàu đi biển tiếp. Dù chưa bao giờ đi biển nhưng chị Mẫn bảo, cha ông đời đời bám biển, con trai lớn của anh chị sau này cũng sẽ theo nghiệp anh. Người Lý Sơn là thế, đời nối đời đạp sóng vươn khơi, phần vì chủ quyền, phần vì cái nghiệp đã mang vào thân thì phải đi với nó hết cuộc đời. 

Trở về đất liền, chiều 20-3, anh Dương Văn Giàu gọi điện cho chúng tôi báo tin vui, anh vừa được hiệp hội nghề cá và Liên đoàn lao động huyện đảo Lý Sơn trao 30 triệu đồng hỗ trợ. Số tiền không thấm tháp vào đâu so với thiệt hại của con tàu trong cơn bão biển nhưng anh bảo đó là tấm lòng của những người dân, giúp anh thêm quyết tâm tiếp tục theo nghề biển.

 Một ngày trên đảo, dù không gặp hết hơn 2 vạn dân nhưng chúng tôi biết một điều, biển vẫn xanh, cát vẫn trắng và họ, những ngư dân đen sạm vì nắng, vì gió vẫn luôn giữ trong mình một ý chí bám biển đến cùng!