- Hà Nội tiếp cận sâu sắc, toàn diện về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”
- Tự chủ, tự hào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Bước sang giai đoạn mới của hoạt động đối ngoại
Tình hình thế giới và khu vực năm 2024 tiếp tục biến động phức tạp, khó lường với nhiều bất ổn, xung đột vũ trang, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Những vấn đề toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… tác động đa chiều, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của các quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hào rằng trong bối cảnh thế giới như vậy, Việt Nam vẫn giữ vững cục diện đất nước hòa bình, ổn định, phát triển và được dư luận quốc tế coi là một trong những “điểm sáng”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc hồi tháng 8-2024 |
Với chính sách “ngoại giao cây tre” linh hoạt, hiệu quả, dựa trên nội lực kinh tế vững chắc, năm 2024, Việt Nam tiếp tục ghi thêm nhiều dấu ấn trên bản đồ quốc tế. Việc mở rộng quan hệ song phương, tham gia tích cực vào các khuôn khổ đa phương giúp Việt Nam nổi lên như một trong những quốc gia quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trên nền tảng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam ngày càng năng động, sáng tạo và chủ động hơn. Trong năm 2024, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã tiến hành tổng cộng 60 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương; đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam.
Việt Nam đồng thời đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ được nâng cấp, ký kết mới hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ta có nhu cầu và lợi ích. Bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Trong năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với các đối tác lớn như Australia, Pháp, Malaysia, nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với nhiều quốc gia, qua đó tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Việt Nam đến nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, đưa hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang tính chiến lược, ổn định và lâu dài.
Cùng với ngoại giao, kinh tế tiếp tục đóng góp tích cực vào những thành tựu kinh tế chung của đất nước, các hoạt động đối ngoại về quốc phòng - an ninh đã thực sự hình thành thế chân kiềng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Ngoại giao đã cùng các lực lượng duy trì đường biên giới hòa bình, ổn định, biển đảo, an ninh quốc gia, đạt nhiều tiến triển quan trọng trong đàm phán với các nước, xử lý hài hòa các vấn đề còn tồn tại, thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982…
Trả lời báo chí dịp cuối năm 2024, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hoạt động đối ngoại đã chuyển từ chủ trương “tham gia, tham dự” sang phát huy vai trò “thành viên tích cực, có trách nhiệm”, khởi xướng, dẫn dắt nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác và chủ động tham gia xây dựng, định hình quản trị toàn cầu, khuôn khổ và luật lệ trên nhiều lĩnh vực. Phó Thủ tướng khẳng định, thế và lực mới của đất nước cho phép chúng ta trong giai đoạn mới không chỉ tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, tham gia vào các sáng kiến của các nước mà còn có thể phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong những vấn đề và cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với lợi ích của ta.
Tâm thế và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế
Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới. Nhờ sự chủ động và tích cực tham gia sâu rộng vào các hoạt động quốc tế, kết hợp hài hòa giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là một đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương vì thế là chủ trương xuyên suốt và là định hướng chiến lược quan trọng của chúng ta. Các thể chế và diễn đàn đa phương có tiếng nói, vai trò quan trọng đối với nhiều vấn đề an ninh, phát triển của khu vực và thế giới liên quan đến Việt Nam.
Năm 2025 là năm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước và dân tộc ta, là năm kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm thành lập nước và 50 năm thống nhất đất nước, năm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây cũng là năm then chốt cuối cùng để hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng ta kế hoạch diễn ra vào đầu năm 2026. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong trả lời báo chí nêu rõ, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới. Việc đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình là phù hợp với xu thế của thời đại và thực tiễn, kinh nghiệm của các nước đi trước. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh để một quốc gia vươn lên trong nền chính trị, kinh tế và văn minh thế giới đòi hỏi có sự bứt phá mạnh mẽ, tạo sự thay đổi căn bản về chất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu có sự tham gia của tất cả các ngành, lĩnh vực, lực lượng, của cả hệ thống chính trị và của toàn thể dân tộc. Bài học của các quốc gia đi trước cho thấy trong quá trình đó, đối ngoại đóng vai trò quan trọng, định vị Việt Nam thuận lợi trong dòng chảy của thời đại và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phục vụ cho sự vươn mình của đất nước.
Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự ổn định và phát triển của các quốc gia đều không thể tách rời môi trường khu vực và quốc tế bên ngoài. Theo Phó Thủ tướng, yếu tố bảo đảm cho sự vươn lên của dân tộc là môi trường chiến lược hòa bình, hữu nghị, hợp tác thuận lợi cho phát triển. Do đó, nhiệm vụ của đối ngoại là làm thế nào củng cố, giữ vững cục diện này vững vàng trước các biến động, tạo điều kiện cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Đối ngoại có thể đóng vai trò kiến tạo, động lực, mở ra các cơ hội mới cho đất nước vươn mình. Trong đó, đối ngoại đóng vai trò kết nối nội lực với ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đó là các nguồn lực về thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển chính thức (ODA), là các xu thế phát triển và liên kết kinh tế, là trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, dựa trên luật pháp quốc tế, là sức mạnh của kỷ nguyên cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa...
Theo Phó Thủ tướng, thế và lực mới của đất nước về kinh tế, an ninh, quốc phòng và đối ngoại trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu về tâm thế và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam có khả năng, điều kiện tham gia nhiều hơn nhưng cũng được kỳ vọng đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, phát triển và giải quyết các vấn đề chung của nhân loại, góp phần xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế.