Đội mũ bảo hiểm cho học sinh tới trường: Người lớn phải làm gương cho con trẻ

ANTĐ - Chỉ còn 1 ngày nữa, sẽ chính thức xử phạt học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, mô tô, xe đạp điện. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số trường học ngày 8-4 cho thấy, ý thức thực hiện quy định này của phụ huynh, học sinh vẫn còn rất thấp.

Đội mũ bảo hiểm cho học sinh tới trường: Người lớn phải làm gương cho con trẻ ảnh 1Nhiều phụ huynh ý thức rõ việc cần đội mũ bảo hiểm cho con khi đến trường

Chưa xử phạt nên vẫn “quên” đội mũ

Sáng 8-4, tại cổng trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Ba Đình, bên cạnh những phụ huynh đã cho con đội mũ bảo hiểm, vẫn còn nhiều người quên không cho con đội mũ với lý do nhà gần trường. Một phụ huynh cho biết, đến 10-4, khi cơ quan chức năng bắt đầu xử phạt, chị sẽ chú ý hơn việc thực hiện quy định này hoặc để con đi bộ đến trường để tránh phiền phức. 

Trong khi đó, anh Trần Anh Tuấn, phụ huynh học sinh lớp 4 trường Tiểu học Lê Văn Tám, Hai Bà Trưng cho biết, cả 3 bố con đều vui vẻ đội mũ bảo hiểm khi đi học dù rằng có hơi lỉnh kỉnh và cũng chỉ đi một đoạn đường ngắn. “Được đội mũ bảo hiểm, các con sẽ có ý thức tốt hơn về an toàn giao thông. Bố mẹ cũng yên tâm hơn, ngoài ra cũng thuận tiện tránh mưa, nắng cho con trong mùa hè này” – anh Tuấn phân tích. Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng cho rằng, khi cho con đội mũ bảo hiểm, phụ huynh cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành luật giao thông. “Không thể cho con đội mũ bảo hiểm mà mình lại không đội. Cũng không thể đội mũ bảo hiểm cho con mà lại đi ngược chiều hay vượt đèn đỏ” - anh Tuấn chia sẻ.

Cần xây dựng ý thức lâu dài

Triển khai yêu cầu của ngành giáo dục về học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết, việc thực hiện không khó với bậc THCS. “Chúng tôi đã hướng dẫn tất cả các trường THCS trên địa bàn quận, chỉ cho học sinh đi xe đạp điện đến trường ra về khi các em có đội mũ bảo hiểm. Với những em không có mũ bảo hiểm, nhà trường sẽ giữ lại và yêu cầu liên lạc với gia đình đem mũ đến thì mới được ra về. Cách làm này khá hiệu quả, các em đều đội mũ đầy đủ khi đến và rời trường” – ông Lê Hồng Vũ cho biết. 

Tuy nhiên, khó khăn lại rơi vào học sinh tiểu học. “Nhà trường có thể yêu cầu, thuyết phục các em học sinh tiểu học đội mũ bảo hiểm nhưng người thực hiện lại là các bậc phụ huynh. Nếu họ không cho con em mình đội mũ thì nhà trường cũng không thể xử phạt hay bắt ép họ” – ông Vũ chia sẻ. Ngoài ra, đa số các trường đều phản ánh, phụ huynh ngại đội mũ cho con vì cho rằng nhà gần, không cần thiết phải đội mũ bảo hiểm. “Ý thức của người lớn chưa đầy đủ thì nhà trường làm sao thuyết phục được các con. Con phải đội mũ bảo hiểm nhưng bố mẹ không đội cho thì nhà trường cũng bó tay” – ông Vũ nêu ý kiến.

Bắt đầu thực hiện kiểm tra liên ngành từ 2-4, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kết quả ban đầu cho thấy có sự chuyển biến lớn trong ý thức của phụ huynh, học sinh. “Đoàn kiểm tra đã giám sát, nhắc nhở tại những điểm trường tiểu học, THCS, THPT của 9 quận nội thành. Khi thấy phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con hoặc bản thân không đội mũ bảo hiểm, thành viên đoàn tập trung các bậc phụ huynh và học sinh này lại, chờ đến khi giờ học bắt đầu mới nhắc nhở, yêu cầu viết cam kết, nếu tái phạm sẽ chịu xử phạt” – ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, việc tăng cường tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, nhắc nhở giúp nâng cao ý thức thực hiện Luật Giao thông đường bộ của phụ huynh, học sinh. “Sau ngày 10-4, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn tiếp tục tham gia các đoàn kiểm tra. Ngoài việc bị CSGT xử phạt hành chính, những trường hợp học sinh vi phạm còn phải chịu hình thức kỷ luật theo nội quy, quy định của ngành như cảnh cáo trước toàn trường, hạ hạnh kiểm…”. Cũng theo ông Tuấn, đây là việc phải tiến hành thường xuyên, lâu dài. “Nếu nhà trường, cơ quan chức năng lơi lỏng sau đợt cao điểm thì mọi cố gắng, kết quả thực hiện trong dịp này coi như bỏ” – ông Phạm Ngọc Tuấn nói.