Đổi mới thủ tục hải quan: Doanh nghiệp gặp khó

ANTĐ - Sau hơn 8 tháng có hiệu lực thi hành, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn đã tạo thêm thuận lợi cho hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quá trình thông quan. Tuy nhiên, thực tế triển khai, không ít doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc.
Đổi mới thủ tục hải quan: Doanh nghiệp gặp khó ảnh 1

Ngành hải quan cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa

Tác dụng ngược của quản lý rủi ro

Khảo sát thực tế tại nhiều doanh nghiệp và cơ quan hải quan trên cả nước về việc thực hiện Luật Hải quan, ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia tư vấn dự án USAID GIG (Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện) đánh giá, quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa là phương pháp hiện đại, nhưng chưa mang lại hiệu quả. Theo đó, hàng hóa của doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật vẫn bị phân vào luồng vàng, luồng đỏ.

Mặt hàng nào thuộc diện quản lý chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm…) cũng bị phân vào 2 luồng này, bị nhiều lần kiểm tra, mỗi lần hàng chục lô và thời gian kiểm tra kéo dài. Theo bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), việc xếp hàng hóa vào luồng xanh hay luồng vàng, luồng đỏ gần như không có tiêu chí rõ ràng.

“Doanh nghiệp của chúng tôi tự nhiên thấy hàng hóa bị chuyển sang luồng đỏ hết mà không hiểu lý do vì sao. Các bộ phận trong doanh nghiệp đều phải tốn thời gian, công sức vật lộn tìm hiểu lý do và tăng chi phí, xong xuôi thì hàng trở lại luồng xanh. Doanh nghiệp rất băn khoăn về quản lý rủi ro. Nếu không cải tiến, chúng tôi không biết làm thế nào để hoàn thành thủ tục hải quan”- đại diện Vitas thẳng thắn chia sẻ.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do quy định lấy mặt hàng làm tiêu chí quản lý rủi ro. Đặc biệt, những mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành (kiểm dịch, chất lượng, an toàn thực phẩm…) đều thuộc diện quản lý rủi ro nên bị phân vào luồng vàng, luồng đỏ, bị kiểm tra nhiều lần và chậm thông quan.

Tuy nhiên, theo ông Âu Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, tính từ ngày 1-1-2015 đến hết ngày 15-8-2015, các cơ quan hải quan đã cấp trên 5 triệu tờ khai hải quan, trong đó 53,3% là hàng hóa luồng xanh; 8,34% hàng thuộc luồng đỏ, còn lại là luồng vàng. 

Cần gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo ông Phạm Thanh Bình, hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang bị kiểm tra chuyên ngành gắt gao, điển hình là mặt hàng điều nhân và điều thô. Mặt hàng này phải chịu cả 3 loại kiểm tra chuyên ngành là: kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm ở cả chiều nhập khẩu và xuất khẩu. “Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản… đang được khuyến khích xuất khẩu nhưng lại bị kiểm tra gắt gao hơn hàng nhập khẩu. Có doanh nghiệp xuất nhập khẩu một mặt hàng nông sản mà chiều nhập khẩu chịu luồng vàng 100%, xuất khẩu chịu luồng vàng 69%... Riêng mặt hàng điều, không hiểu “quý hóa” thế nào mà các cơ quan kiểm tra chồng chéo”- ông Phạm Thanh Bình nói.

Nêu vướng mắc gặp phải trong lĩnh vực dệt may, bà Đặng Phương Dung cho biết, hàng may mặc xuất khẩu không có nhãn “Made in Vietnam” trên sản phẩm, ghi nhãn theo hợp đồng với khách hàng nước ngoài, thực hiện đúng khoản 3 điều 5 Nghị định 89/2006/NĐ-CP nhưng vẫn bị hải quan bắt lỗi, phạt vi phạm hành chính. Việc này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian xuất hàng.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, các thủ tục hải quan đã được rút ngắn. Ngành hải quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn những thủ tục phải làm thủ công, thiếu sự thống nhất, chia sẻ thông tin giữa hải quan và các cơ quan khác nên ứng dụng thông tin chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Kèm theo đó sẽ làm tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. 

Trước nhiều ý kiến bức xúc nêu trên, ông Âu Anh Tuấn cho biết: “Ngành hải quan sẽ lắng nghe ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp để những vướng mắc nào có thể giải quyết sẽ thực hiện luôn. Những vướng mắc nào liên quan đến bộ, ngành khác sẽ được phối hợp xử lý, nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp”.