Đổi mới thi tác động đến phân luồng

ANTĐ - Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT phân tích, trên cả nước có gần 280.000 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp cho thấy, việc đổi mới thi đã có tác động vào công tác phân luồng sau trung học. 

Năm trước, thí sinh cứ tốt nghiệp là đi thi đại học, không cần biết mình có khả năng đỗ hay không vì mong gặp may. Nay với yêu cầu rõ ràng của kỳ thi THPT quốc gia cũng như mục đích của kỳ thi, nội dung thi đều được công khai đã giúp các em nhận thức tốt hơn về cơ hội công việc sau khi tốt nghiệp phổ thông. 

Đổi mới thi tác động đến phân luồng ảnh 1Cần nhiều tác động hơn nữa để có sự phân luồng rõ rệt với học sinh tốt nghiệp phổ thông

Có thể thấy, hàng loạt các cảnh báo gần đây về tình trạng thất nghiệp của các cử nhân khi đào tạo đại học ồ ạt cũng đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ của người dân. Việc đầu tư cho con em mình có cơ hội học lên cao là đúng nhưng phải phù hợp với năng lực, tránh tình trạng vay mượn, đầu tư lớn vào 4 năm học đại học nhưng kết quả các em không theo được hoặc ra trường không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. 

Ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, với đặc thù của Hà Nội, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT chọn vào đại học khá lớn (Hà Nội có gần 12.500 thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trên tổng số hơn 80.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia). Nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư cho con đi du học nếu trượt đại học trong nước. Trong khi đó, không phải học sinh nào cũng phù hợp với định hướng này, tuy nhiên để thay đổi quan điểm nhất định phải vào đại học của người dân vẫn phải cần quá trình lâu dài. “Để người dân thực sự lựa chọn đúng thì ở mảng dạy nghề vẫn cần có sự đầu tư thích đáng với những chính sách ưu tiên, khuyến khích đào tạo nghề nhiều hơn nữa” - ông Hoàng Hữu Niềm nhận định. 

“Đào tạo phải gắn chặt với thị trường lao động”

Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định như vậy, tại hành lang Quốc hội (QH) trong ngày 23-5, liên quan đến tình trạng cử nhân đại học thất nghiệp tăng đột biến. Theo ông Nguyễn Văn Tuyết, để giải quyết tình trạng này một cách căn cơ, phải điều tra, thống kê, dự báo về nhu cầu lao động một cách cụ thể và để các cơ sở đào tạo nắm bắt được điều đó, nhằm đào tạo ra những nhân tố phù hợp với yêu cầu của các DN. Phải xem thực sự nhu cầu xã hội và thị trường lao động cần đến mức nào thì đào tạo đến mức đó, tránh lãng phí, dàn trải và dễ dẫn đến tình trạng thừa cử nhân, nhưng vẫn thiếu việc làm phù hợp cho đội ngũ trí thức này.

Hồng Tuấn (Thực hiện)