APEC Việt Nam 2017:

Đổi mới giáo dục từ mẫu giáo để nắm bắt cơ hội việc làm tương lai

ANTD.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động lớn đến thị trường lao động. Nhiều người sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm, song sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, cơ hội mới. Quan trọng cần đổi mới phương thức giáo dục để nắm bắt cơ hội mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu quốc tế tại đối thoại

Sáng nay 15-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một trong các hoạt động của SOM 2, APEC Việt Nam 2017.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động lớn đến thị trường lao động. Nhiều người sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm, song sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, cơ hội mới. Các nước thuộc APEC đã có những bước rất chủ động động liên quan tới cuộc cách mạng này như triển khai các chương trình sáng kiến về chuỗi giá trị, chương trình sản xuất tại Trung Quốc, sản xuất sáng tạo 3.0 của Hàn Quốc…

Vấn đề đặt ra là cần phải thay đổi căn bản  về giáo dục. Cụ thể, không chỉ đổi mới trên phương diện đào tạo ngành nghề hay giáo dục ở bậc đại học, mà cần thay đổi từ giáo dục bậc phổ thông, mẫu giáo. "Giáo dục ý thức và kỹ năng của một công dân toàn cầu là điều rất quan trọng", Phó Thủ tướng nói. 

"Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kỷ nguyên số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn mở ra một chân trời kết nối giữa con người với con người. Quan trọng là nắm bắt được cơ hội. Không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới mà còn là phương thức cung cấp, tổ chức lao động mới", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thêm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại đối thoại

Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một trong những nội dung quan trọng tại SOM 2; tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: Tương lai việc làm trong kỷ nguyên số hoá; những hàm ý chính sách dành cho thị trường lao động, các yêu cầu về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới; và an sinh xã hội trong kỷ nguyên số. 

Sự kiện thu hút sự tham dự của bộ trưởng các bộ phụ trách lao động và việc làm; đại diện các bộ giáo dục và đào tạo; các nhà hoạch định chính sách và các bên có liên quan trong nước và khu vực đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.