Đổi mới để nâng cao hiệu quả

ANTĐ - Sau 5 năm đi vào thực tiễn, mô hình Tập đoàn Kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) đã bộc lộ những tín hiệu cần phải đổi mới.

Để hoạt động của TĐKTNN được phát triển và nâng cao hiệu quả, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc tổng kết 5 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình này.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta có 12 TĐKTNN. Đây là những tổng công ty và công ty lớn (còn gọi là tổng công ty 90, 91) được Chính phủ cho phép thí điểm xây dựng theo mô hình tập đoàn. Những tập đoàn này nằm trong diện được Nhà nước đầu tư lớn, với nhiều ưu đãi, có hệ thống tổ chức công ty mẹ - công ty con… và hiện đang đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện một số chính sách lớn về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đất nước, các TĐKTNN còn nhiều hạn chế, nhất là về phương hướng, mô hình hoạt động và hiệu quả đầu tư.
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được xác định là 540.701 tỷ đồng, tăng 11,75% so với năm 2009. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế là 70.778 tỷ đồng (chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi xuất vay ngân hàng thương mại). Trong đó có đến 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ 4 tập đoàn là: Dầu khí, Viễn thông quân đội, Bưu chính Viễn thông và Cao su. Như vậy, với các tập đoàn, tổng công ty còn lại, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữ kể trên còn thấp hơn nữa. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiện cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn vốn Nhà nước được đầu tư chưa hợp lý. Hiệu quả đầu tư công còn thấp và chịu ảnh hưởng bởi cơ chế quản lý bất cập, thiếu minh bạch, khép kín; năng lực và trách nhiệm cán bộ quản lý còn kém, trách nhiệm chưa rõ ràng và nhất là do thiếu sự phối hợp đồng bộ của các chính sách, các cấp, ngành và các bên hữu quan trên cơ sở một Luật đầu tư công còn thiếu vắng ở nước ta...
Ngoài ra, tên gọi và mô hình tổ chức của TĐKTNN còn thiếu rõ ràng. Bản thân các TĐKTNN không được công nhận tên gọi chính danh theo bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Luật Doanh nghiệp Nhà nước chỉ có khái niệm Tổng công ty, còn Luật Doanh nghiệp năm 2005 dù quy có định Chính phủ hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế nhưng Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính Phủ lại cho rằng Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp Nhà nước thì đã chính thức được bãi bỏ từ ngày 1-7-2010. Như vậy, với cơ sở pháp lý hiện nay các tập đoàn không có tư cách pháp nhân, không phải là một tổ chức kinh tế chính danh mà được công nhận theo kiểu “mặc định”. Thêm một bất cập khác, theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì các tập đoàn và tổng công ty phải chuyển tên gọi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, nhưng liệu cách gọi này có hợp lý hay không khi công ty mẹ là công ty TNHH, hoặc công ty cổ phần trong khi các công ty con lại là các tổng công ty. Sở dĩ có thực trạng này, theo nhiều chuyên gia kinh tế xuất phát từ việc tổ chức các tập đoàn kinh tế Nhà nước là quyết định có tính chất thí điểm và hiện chưa có tổng kết đánh giá nên các tập đoàn vẫn đang hoạt động trong một khung pháp lý không chặt chẽ và điều kiện pháp lý chưa hoàn thiện.
Để mô hình phát triển của các TĐKTNN được xác lập theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, ủy viên, Thư ký khoa học Hội đồng lý luận trung ương: Trong 5 đến 10 năm tiếp theo chúng ta cần xây dựng các mô hình Tập đoàn kinh tế đa sở hữu, đúng nghĩa là át chủ bải, là quả đấm thép, với vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài, đầu tư thêm vào tập đoàn kinh tế, trong đó Nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải hấp dẫn được các thành phần khác bằng lợi ích kinh tế và như vậy cũng đòi hỏi tập đoàn Nhà nước phải được vận hành theo đúng quy luật kinh tế.