Kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2012):

Đổi mới Đảng là tất yếu

ANTĐ - Phong thái thong thả nhưng quyết liệt, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng đã có cuộc trao đổi với An ninh Thủ đô xung quanh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đổi mới Đảng là yêu cầu bức thiết, sống còn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc


Đám cháy lớn bắt đầu từ đốm lửa nhỏ

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (NQ 4) có nói: “Có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài...”. Ông nhận định thế nào về đánh giá này?

- Đổi mới Đảng là tất yếu, không thể cưỡng lại cũng như không thể chậm trễ được nữa. Đó là yêu cầu bức thiết, sống còn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. NQ 4 mang dáng dấp của lịch sử, đánh giá đúng được thực trạng của Đảng ta. Trong quá trình đổi mới, sẽ có những gai góc. Lựa chọn đường đi sao cho ít thiệt hại nhất là việc phải tính toán. NQ 4 cho thấy, Đảng đã trăn trở hơn, quyết liệt, nghiêm khắc hơn trong đánh giá tình hình. NQ 4 có nói tới sai phạm của cán bộ cao cấp, tôi cho đó là sự dũng cảm. Khi biết mình là sai hay sai tới đâu, người ta sẽ dễ sửa chữa khuyết điểm hơn nhiều.

Từ đổi mới tư duy tới hành động vẫn còn là quá trình đấu tranh cam go. NQ 4 chỉ có thể triển khai tốt nếu chúng ta xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh, trước hết từ các chi bộ Đảng. Muốn thế, đồng chí bí thư chi bộ phải là linh hồn, cốt cách của chi bộ đó, đủ sức làm gương hay để nói với các đảng viên khác về những sai sót của họ. Đảng viên, dù giữ những cương vị cao trong Đảng vẫn phải sinh hoạt đầy đủ ở chi bộ, chịu sự kiểm soát của cấp ủy, bí thư chi bộ và đặc biệt là cũng phải kiểm điểm, tự phê bình như bất kỳ đảng viên nào khác, không thể có ngoại lệ. Ở đâu chi bộ Đảng yếu kém, khiếu kiện sẽ nhiều, lòng dân không yên. Ngược lại, cơ sở Đảng vững mạnh, nắm chắc tình hình, giữ vững chính trị thì lòng dân sẽ ổn định. Phải thổi lên những ngọn lửa nhỏ mới thành được đám cháy lớn. Chúng ta thà ít mà tinh, cần thanh lọc những đảng viên kém phẩm chất, yếu năng lực để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

- Có ý kiến nói bệnh nặng nhất hiện nay là chủ nghĩa cá nhân?

- Đảng viên phải luôn gương mẫu, đi đầu. Tính tiền phong của đảng viên là không thể thay đổi. Chủ nghĩa cá nhân ai cũng có nhưng đã nói thành bệnh nghĩa là sự tham lam thực sự đã trỗi dậy. Để vượt qua sự tham lam đó không dễ. Khi còn thủ trưởng một đơn vị, thấy đồng chí Bí thư chi bộ rất tốt về phẩm chất nhưng yếu kém chuyên môn, tôi đã đề nghị tổ chức Đại hội sớm để bầu đồng chí khác đủ năng lực hơn. Đồng chí đó hiểu ngay và đã đồng ý. Sau đó, chúng tôi đã bầu được bí thư khác xuất sắc hơn. Sự rút lui đúng lúc, sẵn sàng rời khỏi cương vị lãnh đạo cho người khác xứng đáng hơn là bài học cho tinh thần trách nhiệm của người đảng viên.

- Những người như thế chắc giờ rất hiếm?

- Đồng chí đó đã chấp nhận đề xuất đó một cách tự nguyện để bầu ra người mới. Tôi lưu ý là tổ chức bầu ra người phù hợp với tình hình chứ không phải bầu người mà thủ trưởng đơn vị thích.

Chi bộ là nơi phân kim tốt nhất

- NQ 4 cũng chỉ rõ là có việc thực hiện quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ?

- Nếu chúng ta không quyết liệt tự sửa đổi mình, không đấu tranh gạt bỏ những cái sai trong tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên không gương mẫu thì khác gì chúng ta tự ngửa mặt lên trời mà nhổ nước bọt.

- Đảng viên cuối mỗi năm đều tự phê bình, kiểm điểm nhưng phần khuyết điểm thì giống hệt nhau, ông nghĩ sao về điều này?

- Phê bình chung chung không được. Kiểm điểm là kiểm điểm, phê bình là phê bình chứ làm gì có kiểm điểm sâu sắc hay phê bình nghiêm khắc. 42 năm tôi là đảng viên đều có làm kiểm điểm nhưng cũng đau lòng bởi tất cả phần nhược điểm đều giống nhau, chỉ có 3 gạch đầu dòng (quan hệ quần chúng chưa được rộng rãi; đấu tranh phê bình, tự phê bình chưa thật mạnh mẽ, tính tình có lúc còn nóng nảy).


-  Vì sao tình trạng như thế cứ duy trì mãi?

- Đó là sự sáo mòn, thậm chí là giả dối nhưng mãi chưa thay đổi được vì chúng ta đấu tranh phê bình không đạt yêu cầu, có sự xuê xoa nhau. Cũng không loại trừ những trường hợp sử dụng đấu tranh phê bình như vũ khí để hạ bệ nhau nên ai cũng e ngại nói ra những khuyết điểm của cá nhân hay đồng chí mình và cuối cùng mọi việc đâu lại vào đó. Đó là việc phải suy nghĩ.

- Cách nào để làm rõ ranh giới giữa lạm quyền với sự linh hoạt, sáng tạo?

- Chi bộ Đảng là nơi phân kim tốt nhất để đánh giá đảng viên của mình. Cái gì làm vì lợi ích tập thể, cái gì bon chen, xà xẻo vì tư lợi đều có thể biết ngay, không khó khăn gì. Xe đỗ hàng dài trước cửa nhà lãnh đạo, chi bộ chắc phải rõ chứ.

- Người 2 năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần xem xét, cho thôi giữ chức vụ, song, có ý kiến cho rằng, 2 năm là quá dài, nên 6 tháng lấy tín nhiệm 1 lần?

- Điều này rất đáng suy nghĩ. Với cấp vĩ mô, để thể hiện được vai trò thực sự, phải có thời gian, không chóng vánh quá được. Nhưng với cấp cơ sở, nơi gần dân nhất, nếu người dân không còn tín nhiệm nữa thì cần phải thay ngay. Đảng cần cân nhắc, suy nghĩ  thêm về ý kiến này.

Muốn đấu tranh mạnh mẽ, phải trung thực

- Chúng ta vẫn định kỳ lấy ý kiến nhận xét của chi bộ về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên nhưng xem ra việc này chưa mấy hiệu quả?

- Đúng là quá trình thông tin có sự sai lệch. Vấn đề là để cơ sở Đảng vững mạnh thì thông tin phải thông suốt, tức là phải 2 chiều, trên xuống, dưới lên. Giả sử một đảng viên là lãnh đạo bỏ sinh hoạt chi bộ 3 lần, liệu đồng chí bí thư chi bộ có dám lên tiếng không? Trách nhiệm của bí thư chi bộ phải nói đúng sự thật đó nhưng có phải ai cũng dám nói ra? Muốn đấu tranh mạnh mẽ được, người đảng viên phải không có tỳ vết, phải trung thực và phải biết tự kiếm sống cho mình. Bởi nếu đấu tranh, phê bình thủ trưởng, ông ta đuổi việc thì lấy gì ăn? Cuộc sống có nhiều người trung thực nhưng họ mắc, không dám nói vì lo miếng cơm manh áo.


- NQ 4 nêu việc thí điểm giao quyền cho bí thư lựa chọn, giới thiệu để bầu cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó. Ông nghĩ sao về yêu cầu này?

- Đó là cần thiết. Bè phái là không được nhưng một êkíp ăn ý để giải quyết công việc trôi chảy là rất tốt. Tất nhiên, người lựa chọn cán bộ sẽ phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Còn rất nhiều cơ quan khác của Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội sẽ giám sát sự lựa chọn đó.

- Quy định đầy đủ và rất nghiêm nhưng nhiều trường hợp vi phạm vẫn xử lý kỷ luật theo kiểu đóng cửa bảo nhau, liệu có nên công khai rộng rãi hơn?

- Tôi cho là chưa nên công khai. Xử lý kỷ luật phải nghiêm khắc, nghiêm minh, dứt điểm nhưng công khai điều gì phải cân nhắc kỹ. Mục tiêu đấu tranh là để ổn định, phát triển.

Minh bạch hóa bản thân

- Là người giữ cương vị được xem là nhạy cảm nhưng ông luôn được xem là tấm gương về liêm chính, kinh nghiệm nào giúp ông tránh được những “lời đề nghị khiếm nhã”?

- Khi còn công tác, tôi có lần nằm bệnh viện. Một cán bộ tới thăm, nói có cân cam nhưng khi mở túi ra thấy có phong bì dày cộp. Tôi bảo cân cam tôi nhận nhưng phong bì thì chịu. Cái phong bì này nhiều quá mức đi thăm hỏi người ốm. Sau đó, cán bộ này đã phải nhận lại phong bì này. Theo tôi, phải minh bạch hóa được cuộc sống, quan điểm của mình, không làm gì khuất tất thì không vấn đề gì và tự kiểm soát được. Chừng nào anh còn giấu anh đang làm gì đó trong phòng kín thì khi đó anh có thể làm điều xấu. Ai cũng khó tránh khỏi có sai sót. Tôi cũng thế, nhưng sai sót đó không làm mất tư cách đạo đức của tôi thì cũng không phải suy nghĩ quá nhiều.

- Từng công tác trong ngành Công an gần 20 năm, hành trang đó chắc đã giúp ông rất nhiều khi làm thanh tra?

- 20 năm, ngành Công an đã dạy tôi thành con người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt và sống tử tế. Đi đâu, làm gì, tôi vẫn nhớ ngành Công an đã đào tạo tôi thành con người tử tế.

Cụ nội tôi, Tam nguyên thám hoa Vũ Phạm Hàm, trong bài văn sách thi Đình đã viết: “Vua lấy dân làm gốc. Dân coi cái ăn là trời. Nhà vua muốn vững bền xã tắc thì phải chăm lo cái ăn cho dân...”. Bây giờ cũng thế, Đảng lấy dân làm gốc thì Đảng cũng phải chăm lo cho cuộc sống của người dân. Đó là minh triết chí lý”. Ông Vũ Phạm Quyết Thắng