Đổi mới cơ chế tài chính ĐH công lập: Mong được quay lại thời chưa tự chủ

ANTĐ - Khẳng định trường không được hưởng thêm bất cứ quyền lợi nào khác so với các trường không được giao tự chủ, một vị hiệu trưởng ĐH công lập bức xúc sau 4 năm thực hiện tự chủ tài chính mà không tạo ra những đổi mới như mong muốn bởi cơ chế thiếu đồng bộ.

Cần cơ chế mới về tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo đại học công lập


Tự chủ nửa vời

Là một trong những trường có tiếng nhất hiện nay, chuyên đào tạo ngành “hot” về tài chính, kinh tế và thường xuyên có điểm đầu vào cao nhất cả nước, xứng đáng để được giao quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính nhưng ít ai biết, để duy trì hoạt động giảng dạy trường này vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” -  GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết. Nói về quá trình tự chủ tài chính 4 năm qua, ông Hoàng Văn Châu cho biết, trường đang tự lo liệu chi phí chi thường xuyên và lương thưởng cho hơn 500 giảng viên.

Theo ông Hoàng Văn Châu với mức thu học phí không khác biệt với các trường được hưởng ngân sách, khó khăn lớn nhất hiện nay với ĐH tự chủ tài chính như Ngoại thương là thu không đủ bù chi: “Chi trong những năm vừa rồi tăng rất nhiều, đặc biệt là cho cơ sở vật chất hay thu nhập cho giảng viên nhưng trường lại không được giao tự chủ trong các nguồn thu của mình”.

Cùng chung khó khăn về cơ chế tự chủ tài chính, GS.TS Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, định mức thu chi tồn tại mấy chục năm nay nên hiện giờ không thể thực hiện tự chủ theo định mức đã đặt ra. “Lệ phí theo quy định cũ nhưng nhiều khoản chi mới phát sinh như khoản học để thi lại của sinh viên, nếu các trường không thu thì không thực hiện được nhưng nếu đưa ra kiểm toán sẽ phải nộp lại”. Góp phần “bó chân, bó tay” các trường là những quy định cũ không  phù hợp như quy định về khấu hao máy móc thiết bị trong trường học. “Chúng tôi giảng dạy 3 ca/ngày thì một máy chiếu qua 1 năm là hết khấu hao nhưng theo Bộ Tài chính quy định thì 5 năm mới hết khấu hao. Trường phải lưu kho bãi chờ hết khấu hao mới được sắm mới” - Giám đốc Học viện Tài chính phàn nàn.

Không đổi mới thì sẽ xin thôi tự chủ

Trước thực tế khó khăn của một trường công lập được giao tự chủ tài chính, GS.TS Hoàng Văn Châu đề xuất xin được cấp lại chi phí thường xuyên. “Nếu không được thì trường cần được giao cơ chế cụ thể như cho phép quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh. Trường cũng cần được tự quyết định học phí và các khoản thu khác theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, học phí phải đảm bảo bù đắp chi phí tiền lương và có tích lũy để đầu tư cho cơ sở vật chất nhà trường” - GS.TS Hoàng Văn Châu đề xuất.

Đánh giá hoạt động của những trường được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên, TS. Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng việc chuyển đổi này vào năm 2008 là xuất phát từ việc vào thời điểm đó các trường này đều có nguồn thu cao, đủ khả năng bù đắp toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên nên ngân sách nhà nước không cấp nữa chứ không phải xuất phát từ các phương án kinh tế được tính toán chi tiết. Điều này không những không phát triển được khả năng của các trường mà còn không tạo được động lực cho những trường khác chuyển đổi theo. Nhìn rõ nhất là việc không được tự chủ về mức thu, nguồn thu nên nhiều trường không thể đảm bảo chi thường xuyên.

Đồng ý với việc giao quyền tự chủ về mức thu cho các trường nhưng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng còn thiếu cơ chế kiểm soát để đảm bảo quyền lợi cho người học. “Hiện nay Chính phủ đã cho phép đại học công lập tự chủ thu học phí cao so với Nghị định 49/2010/NĐ-CP nhưng chất lượng phải được nâng cao. Hiện một số trường đã thực hiện tăng học phí nhưng vấn đề cần làm hiện nay là xây dựng những tiêu chí đào tạo chất lượng cao phù hợp học phí để người học không bị thiệt thòi”.