Đổi mới chương trình phổ thông: Sẽ hoãn lại 1 năm? ​

ANTD.VN - GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, phương án lùi lại 1 năm so với tiến độ thực hiện chương trình mới vào năm 2018 đã được đề xuất tới lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội, thời điểm bắt đầu áp dụng triển khai chương trình, sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu từ năm học 2018-2019. 

Đề xuất lùi lại 1 năm

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 29-5, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, thông qua kết quả tổng hợp ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, các Sở GD-ĐT, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân, Ban phát triển chương trình tổng thể đã đề xuất Bộ GD-ĐT 2 phương án áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.  

Theo phương án 1, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ áp dụng theo phương thức “cuốn chiếu” ở mỗi cấp học, bắt đầu đối với từ lớp 1 từ năm học 2018-2019, lớp 6 từ năm học 2019-2020 và lớp 10 từ năm học 2021-2022. Phương án này đã bám sát lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới quy định tại Nghị quyết 88. Tuy nhiên, nếu thực hiện sẽ gặp phải những hạn chế, bất cập.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là hoàn thành đúng tiến độ đối với chương trình tổng thể và chương trình môn học với tất cả nỗ lực. Còn điều kiện thực hiện có theo kịp không phải do cơ quan quản lý quyết định. Cá nhân tôi cho rằng việc Chính phủ, Quốc hội cho phép lùi thời hạn 1 năm sẽ tốt hơn cho công tác chuẩn bị”.

GS. Nguyễn Minh Thuyết
(Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể)

Đó là sau khi chương trình tổng thể được phê duyệt tạm thời (dự kiến là tháng 6-2017) còn ít thời gian dành cho biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Điều này dẫn tới lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Về phương án 2, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo phương thức “cuốn chiếu” mỗi cấp học nhưng lùi lại 1 năm so với phương án một, bắt đầu đối với lớp 1 từ năm học 2019-2020, lớp 6 từ năm học 2020-2021 và lớp 10 từ năm học 2021-2022.

Phương án này sẽ bảo đảm có đủ thời gian dành cho biên soạn thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất; bảo đảm chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới một cách chắc chắn.

Không nên duy ý chí

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông không thuần túy là đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà phải nhìn nhận một cách đồng bộ đến các điều kiện thực hiện trong đó, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất được xem là điều kiện quyết định tới sự thành công của công cuộc đổi mới này. 

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ, người thầy là gốc trong đổi mới giáo dục vì có chương trình tốt, cơ sở vật chất tốt mà giáo viên không giỏi thì không đảm bảo được chất lượng giáo dục. Với hơn 1 triệu giáo viên hiện nay mà ngay lập tức phải chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức sang phương pháp phát triển năng lực theo chương trình mới thì không khả thi. Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, muốn thành công ở chương trình lần này thì cần có thời gian đào tạo lại đội ngũ giáo viên chứ không chỉ bồi dưỡng, đào tạo đơn thuần hàng năm như hiện nay.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  đã tổ chức phiên họp chuyên đề nghe báo cáo về việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông ngày 27-5. Tại đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã báo cáo với Ủy ban về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, phương án lùi thời hạn triển khai chương trình phổ thông mới đã được đặt ra và được nhiều người ủng hộ, tránh trường hợp duy ý chí vì muốn đạt tiến độ nhưng lại chưa đủ điều kiện thực hiện.