Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục

ANTĐ - Sau tiếng trống khai trường cuối tuần qua, hơn 1,6 triệu học sinh các cấp học của Hà Nội cùng hơn 18 triệu học sinh của hơn 42.000 cơ sở giáo dục trên cả nước đã bước vào năm học mới 2013 - 2014. 

Trong âm vang của những tiếng trống rộn rã chào mừng năm học mới làm náo nức lòng người từ thành thị đến nông thôn là những khấp khởi xen lẫn lo âu của các bậc phụ huynh và những bộn bề lo toan của ngành Giáo dục về sự đổi mới giáo dục.

Trong thư gửi thầy cô giáo, các em học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng kêu gọi đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh thi đua “Dạy tốt, học tốt” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học. Năm học 2013 - 2014 này là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị T.Ư 6 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nước ta đã đưa giáo dục lên hạng “quốc sách hàng đầu”. Ngân sách đầu tư cho giáo dục lên đến 20% GDP. Bên cạnh đó còn có các khoản vay lên đến hàng trăm triệu USD, các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản xã hội hóa mà người dân đầu tư cho giáo dục bằng nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau. 

Năm học mới này Bộ GD-ĐT cũng đã nêu ra những đổi mới trong việc dạy và học, nhưng những gì mà Bộ nêu ra thực sự vẫn chưa thuyết phục được dư luận. Cũng đã có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, của những người tâm huyết cho công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà nhưng nền giáo dục nước ta vẫn còn nhiều bề bộn với hàng loạt vấn đề lớn như đổi mới sách giáo khoa, triển khai chương trình dạy tiếng Anh từ cấp 1, cải tiến phương thức thi cử, đánh giá chất lượng...  Vẫn còn thiếu tới 27.000 giáo viên đứng lớp. Vẫn còn nhiều trường học, lớp học chưa được kiên cố nên  thầy cô giáo và các em học sinh vẫn phải ngồi học trong những lớp học tạm bợ, bàn ghế xộc xệch. Đây đó, khi năm học mới bắt đầu, đã có những phàn nàn về tình trạng lạm thu; về dấu hiệu của căn bệnh thành tích; về những hành xử thiếu phương pháp sư phạm và đạo đức của các thầy cô giáo đối với học sinh. Những điều đó đã diễn ra và nhưng thực tế vẫn diễn ra…

Ngày khai giảng đã đi qua, năm học mới này ngành Giáo dục cả nước vẫn phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thách thức, cùng với những nhiệm vụ rất nặng nề cho ngành Giáo dục. Những đề án lớn về đổi mới giáo dục đang trong giai đoạn hoàn thiện để ra đời ngay trong năm học này, khắc phục những khiếm khuyết hiện có, vừa thực hiện nhiệm vụ then chốt phục vụ mục tiêu lâu dài, vừa giải quyết những vấn đề cụ thể, trước mắt của ngành, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện hơn, lấy lại niềm tin về một nền giáo dục chất lượng, vừa coi trọng dạy chữ vừa coi trọng dạy người, tạo đà cho những bước đổi mới thành công “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”. Đó chính là cái đích mà không chỉ ngành giáo dục mà toàn thể xã hội luôn dành mọi quan tâm, đầu tư và kỳ vọng.