Đối mặt với già hóa dân số

ANTĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo cho biết, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2050, trên quy mô toàn cầu, số người ở độ tuổi trên 60 sẽ tăng gấp ba, từ 600 triệu lên 2 tỷ. Kết quả là lần đầu tiên trong lịch sử, số người già sẽ nhiều hơn số trẻ em dưới 14 tuổi. 

Già hóa đang trở thành vấn đề với nhiều nước

Theo tạp chí “Tài chính và phát triển”, dân số thế giới dự báo sẽ đạt 7 tỷ người vào năm nay và hơn 9 tỷ người vào năm 2050. Lúc đó, thế giới sẽ có tới 1,25 tỷ người già trên 60 tuổi, trong khi số người dưới 25 tuổi giảm xuống còn 3 tỷ người. Còn theo dự báo của Liên minh toàn cầu về già hóa dân số, những người trên 65 tuổi tại các quốc gia thuộc nhóm G-20 sẽ tăng lên 124% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2030. Trên phạm vi toàn cầu, con số này sẽ là gần 2 tỷ người.

Nhìn từ góc độ tích cực, già hóa dân số phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội và những thành công trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Khi kinh tế, y tế, giáo dục... phát triển thì con người có dinh dưỡng đầy đủ hơn, có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn, được bảo vệ chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tuổi thọ cao hơn, số người cao tuổi trong xã hội ngày càng nhiều hơn. Cũng nhờ làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh ít con hơn, số trẻ em trong tổng dân số có xu hướng giảm. 

Tuy nhiên, sự thay đổi cơ cấu dân số toàn cầu theo hướng già hoá tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống loài người. Trước hết, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh là một thách thức lớn đối với hệ thống bảo trợ xã hội, an sinh xã hội. Số người về hưu và thời gian hưởng lương hưu tăng lên, đòi hỏi phải hình thành một hệ thống lương hưu dài hạn đủ sống, đang trở thành một sức ép đối với cả các nước phát triển và đang phát triển. 

Già hoá nhanh cũng gây những ảnh hưởng tương tự như tăng trưởng dân số nhanh, tạo áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ sức khoẻ, hệ thống an sinh xã hội…, cũng như những thay đổi trong quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống... Áp lực này sẽ làm cho các vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường có nhiều biến động không thể lường trước, kết quả là lại làm nảy sinh những vấn đề dân số mới.

Chính vì thế mà thế giới phải chuẩn bị đối phó với thách thức từ già hóa dân số. Liên minh toàn cầu về già hóa dân số đã đưa ra một kế hoạch với tên gọi “Các nguyên tắc toàn cầu về già hóa dân số” gồm 7 điểm nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, chính phủ, cộng đồng và cá nhân thực hiện những thay đổi cần thiết để tạo cơ hội tối đa cho dân số già trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế.

Ở các nước có tốc độ già hoá dân số cao như Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc, tuổi nghỉ hưu đã kéo dài thêm gần 1 thập kỷ. Các nhà kinh tế đánh giá biện pháp tăng tuổi nghỉ hưu có tác động kinh tế dài hạn tích cực nhất vì tăng được số lao động tích cực và nhu cầu tiêu dùng. 

Nói tóm lại, già hoá dân số đang nổi lên như một vấn đề toàn cầu. Đây là xu hướng mang tính lâu dài và không thể đảo ngược. Thực tế cho thấy già hóa dân số không phải là một gánh nặng nếu các nước có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Nói như nhà nhân chủng học F. Notestein: “Già hóa hoàn toàn không phải là một vấn đề. Đó chỉ là cách nhìn bi quan đối với chiến thắng vĩ đại của nền văn minh nhân loại”.