Đối mặt với biển khơi

ANTĐ - Đó là thông điệp mà Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa ra nhân Ngày Quốc tế người đi biển (25-6) để tôn vinh các thủy thủ, những người phải đối mặt với bao bất trắc, hiểm nguy trên trùng dương trong sứ mệnh đảm bảo cho việc thông thương hàng hoá toàn cầu.

Những người đi biển luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc và rủi ro trên biển khơi

Trong bài diễn văn nhân Ngày Quốc tế người đi biển (25-6) năm nay, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đánh giá cao vai trò của thủy thủ và những người hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển trong việc thúc đẩy sự phát triển của thương mại thế giới. Chủ đề “Đối mặt với biển khơi” cũng chính là thông điệp mà Tổng Thư ký LHQ đưa ra để khẳng định hiệu quả của hoạt động kinh tế toàn cầu hiện nay phụ thuộc vào vận tải quy mô lớn, lưu thông hàng hóa giữa các khu vực trên thế giới. 

Thế giới hiện có nhiều loại hình vận tải bằng đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không song vận tải biển là loại hình vận tải có quy mô lớn nhất, chiếm tới hơn 90% tổng khối lượng vận chuyển hàng hoá toàn cầu. Vì thế, ngành vận tải biển từ lâu là một trong những ngành xương sống, có vai trò sống còn với nền kinh tế toàn cầu, tạo ra hàng triệu việc làm và nuôi sống hàng tỷ người trên thế giới. 

Không thể tưởng tượng nền kinh tế toàn cầu và cuộc sống của nhân loại sẽ ra sao nếu hoạt động vận tải biển bị ảnh hưởng, tắc nghẽn. Góp phần đảm bảo cho các tuyến vận tải biển luôn thông suốt trên các vùng biển thế giới là khoảng 1,5 triệu thủy thủ và những người hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển toàn cầu. 

Đảm bảo huyết mạch vận tải của cả thế giới nhưng các thủy thủ và người đi biển không chỉ phải chịu đựng cảnh xa người thân yêu, cô đơn hàng tháng trời trên biển mà còn luôn phải đối mặt với bao bất trắc, hiểm nguy rình rập giữa trùng khơi mịt mù sóng gió. Đó là có thể là những trận bão tố hay cơn lốc xoáy, tảng băng trôi bất chợt... và một trong những điều đáng sợ nhất là nạn cướp biển hoành hành tại một số vùng biển trên thế giới. 

Theo số liệu của Trung tâm về quyền của các thủy thủ toàn cầu, năm 2010 là năm cướp biển hoành hành mạnh nhất trong 5 năm qua với 47 tàu bị cướp và hơn 1.000 thủy thủ đã bị cướp biển bắt làm con tin ở vịnh Aden và Ấn Độ Dương. Hơn 4.000 thủy thủ trên các tàu buôn đã bị cướp biển tấn công bằng vũ khí và 1.432 thủy thủ bị cướp biển xông lên tàu tấn công, khám xét. 

Để tôn vinh và biết ơn hàng triệu thủy thủ và những con người làm việc trên biển cũng như sự đóng góp to lớn của họ cho nền kinh tế thế giới và xã hội dân sinh, từ năm 2010, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) của LHQ đã quyết định lấy ngày 25-6 hàng năm là Ngày Quốc tế người đi biển. Năm 2011 là năm đầu tiên IMO tổ chức kỷ niệm Ngày của người đi biển và ngày này đã trở thành ngày kỷ niệm chính thức của LHQ đối với người đi biển trên toàn thế giới.

LHQ khẳng định những thủy thủ xứng đáng được thế giới tôn trọng, ghi công và biết ơn về sự phục vụ và đóng góp đặc biệt của họ cho nhân loại. Không chỉ tôn vinh và biết ơn, LHQ còn đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm đảm bảo an toàn cũng như bảo vệ quyền lợi của các thủy thủ tàu biển, trong đó có việc lập quỹ hỗ trợ thủy thủ gặp hoạn nạn trên biển, sửa luật pháp quốc tế để có thể mạnh tay chống cướp biển...