Gia tăng rối loạn tâm thần (1)

Đối mặt với bi kịch tinh thần

ANTĐ - LTS: “Sức khỏe tâm thần (SKTT) là sự cân bằng hòa hợp giữa bản thân với những người thân và môi trường xã hội”. Định nghĩa ấy của WHO khiến ai cũng thấy mình, người thân và xã hội phải nỗ lực rất nhiều mới có SKTT. Nhân Ngày SKTT Thế giới 10-10 hàng năm, ANTĐ xin giới thiệu ghi chép của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trong chuyến đi tìm hiểu việc triển khai mô hình điều trị trầm cảm dựa vào cộng đồng tại Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Bệnh nhân T. đang vẽ chân dung phóng viên tại phòng trưng bày tranh của BV Tâm thần TƯ 2.

Ảnh: tuvanmatuy.com


Những số liệu giật mình

Tính đến năm 2010, Việt Nam có tới 14,7% dân số có rối loạn tâm thần (RLTT) liên quan tới sáu bệnh thường gặp: tâm thần phân liệt (TTPL) (0,47%), động kinh (ĐK) (0,33%), trầm cảm (TC) (2,8%), lo âu (5,2%), lạm dụng rượu (5,3%), chậm phát triển tâm thần (0,63%). Đây là kết quả nghiên cứu của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Bảo vệ SKTT Cộng đồng (CTMTQG - BVSKTTCĐ), do Viện SKTT Quốc gia phối hợp với bệnh viện Tâm thần (BVTT) TW tiến hành. Theo phân loại quốc tế thì có tới hơn 300 RLTT và hành vi. 15% dân số có thể mắc trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong đời họ.

Có ba nhóm nguyên nhân gây TC: 1. Áp lực hàng ngày về công việc, gia đình, tình cảm, hôn nhân, học tập, quan hệ xã hội, nhất là bị sốc nặng như mất người thân, mất tài sản, mất việc… 2. Bệnh tật kéo dài, biến đổi thể chất, nội tiết khi mang thai, mãn kinh… 3. Tính tình nhút nhát, sống khép kín, ngại giao tiếp, không tự tin, cách nghĩ không tích cực, thường sai lầm về phương pháp tư tưởng…

Tỉ lệ RLTT ngày càng cao, trong khi các BVTT lại thiếu. Cả nước chỉ có hai BV TW ở miền Bắc và miền Nam. Chỉ 33/63 tỉnh, thành phố có BVTT, còn lại chỉ có khoa Tâm thần và nếu tính số bác sĩ (BS) trên dân số thì ta kém rất xa thế giới, chỉ đạt 1 BS/100.000 dân (thế giới là 1/30 - 50.000 dân). Trong khi đó, số sinh viên học chuyên khoa Tâm thần ngày càng ít đi. PGS.TS Trần Hữu Bình, nguyên là Phó Chủ nhiệm khoa Tâm thần, trường ĐH Y Hà Nội, thừa nhận sinh viên rất ngại vào học khoa này.

Tình hình trên dẫn đến một thực trạng: các BVTT, khoa Tâm thần chỉ có khả năng nhận điều trị các BN TTPL (điên) thôi, còn các bệnh khác chỉ điều trị tại cộng đồng. Từ năm 1998, bắt đầu triển khai CTMTQG - BVSKTTCĐ, nhưng ngành y tế của ta còn rất thiếu về đội ngũ chuyên môn, kinh phí nên mạng lưới bao phủ của chương trình không bắt kịp diễn biến các bệnh TT trong thực tế. Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, ngoài xã hội tác động xấu đến con trẻ, tỷ lệ ly hôn tăng cao không chỉ gây sốc cho cha mẹ mà gây sốc cho con họ, nhất là trẻ em. Bố mẹ mải kiếm tiền, không có thì giờ chia sẻ, theo dõi những diễn biến tâm lý của con, nhất là ở tuổi dậy thì, hậu quả là quan hệ tình dục sớm, hôn nhân sớm, ly hôn sớm, bỏ nhà đi hoang, tự huỷ hoại cơ thể mình, tự sát; chơi trò chơi điện tử thâu đêm suốt sáng, tham gia các mạng xã hội, xem những cảnh bạo lực, các chuyện lạm dụng tình dục, lừa gạt… cũng là con đường dẫn đến RLTT. Luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh đen tối dẫn đến lo âu, sợ hãi, TC, rất nhiều em có hành vi lệch chuẩn. Ấy là chưa kể những trẻ em chậm phát triển SKTT. Vì thế nhiều BVTT đã có thêm khoa Trẻ em như Đà Nẵng, Khánh Hoà.

Chuyện một bệnh nhân trầm cảm

Lấy vợ được gần một năm, ông đi tập kết, không hề biết giọt máu mình để lại đã ra đời. Sau ông lại được biết vợ mình đã lấy người khác. Ở vậy 20 năm, cho đến khi biết tin người vợ ấy đã mất mới lấy mẹ cô - một nữ thanh niên xung phong, thương binh 3/4. Một năm sau, 1973, cô ra đời. Không biết có phải vì hai mảnh bom vẫn còn trong phổi, những vết sẹo chằng chịt trên hai cánh tay và những ký ức đau buồn thời chiến tranh mà mẹ cô sinh ra nóng nảy. Bà khắc nghiệt với con, hay gắt gỏng, mắng mỏ chồng.

Ba thì mồ côi từ bé, thiếu thốn tình cảm, mấy chục năm anh bộ đội ấy sống độc thân, chỉ biết có đồng đội. Chưa lập gia đình đi một nhẽ, đằng này, càng nghĩ về gia đình cũ càng nẫu lòng. Đến khi có gia đình mới, cuộc sống chật vật với tem phiếu, sổ gạo người vợ lại hay dằn hắt khiến ông phải chịu đựng nhiều nỗi buồn.

Hồi học cấp 3, cô học giỏi nhưng có một lần bị thầy giáo mắng trước lớp, giờ không còn nhớ vì sao bị mắng, may là không bị thầy đánh như các bạn khác. Thế là học sút hẳn đi, chán chường, xa lánh bạn bè. Ba lại bị lắm bệnh, trong đó có sỏi thận, đã hai lần chết đi sống lại, thế là đi học về, hễ cứ thấy ngoài cửa nhà có đông người là sợ tái mặt. Chuyện cô em gái bị ung thư máu mất mới 13 tuổi nữa… Không biết có phải ba bị nhiễm độc dioxin không? Sau em gái không biết có đến lượt mình? Chuyện nhà như thế, không chia sẻ với ai được, cứ tích dần lại trong ký ức, ngày một đầy lên, ăn không ngon, ngủ không đẫy giấc. Không thi đại học, cô vào học sư phạm mẫu giáo. Nghề này đòi hỏi phải khéo tay làm đồ chơi cho các cháu. Thế là đi học thêm cắm hoa, nấu ăn, trang điểm cô dâu v.v… Rồi cô lấy chồng cùng quê mẹ mình ngoài Bắc, anh vào trong này học đại học. Được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, không ở, ra làm ngoài. Thời gian này cô thấy vui vẻ, lại thấy đời đáng yêu, đáng sống lắm. Nhưng anh hay đi làm ăn xa. Một lần, đứng lên chiếc ghế cao thắp hương trên bàn thờ cô thấy một con chuột chết nằm trên ấy, sợ chết khiếp ngã xuống. Thế là sảy thai. Sinh con đầu, chồng cứ đi làm biền biệt. Con ươn người, hay ốm đau đi bệnh viện chỉ thui thủi hai mẹ con. Cô thường xuyên mất ngủ, thường xuyên đau đầu, thường xuyên mệt mỏi. Đêm khuya con khóc, dỗ không được cũng khóc. Rồi lại bị đau đại tràng. Chữa được đại tràng lại sinh nóng nảy, tính tình thay đổi. Có thai cháu thứ hai lại bị co thắt đại tràng nặng. Đêm, mắt nhắm nghiền mà giấc ngủ không đến, lại cứ thấy hiện lên một đám tang. Con gái đầu vào tuổi dở dở, ương ương.

Rồi một tin xấu lại đến, diện tích nuôi tu hài giá hơn 3 tỉ đồng của chồng bị lũ cuốn sạch. Đành bán mảnh đất bố mẹ cho, được 1,5 tỉ đồng. Bán sáng thì trưa họ bán lại được hơn gấp rưỡi…

Một thiếu phụ như thế, một gia đình như thế mà BS Tân và Th.s Đinh Thái Sơn - Điều phối viên DA SKTT tại Đà Nẵng, Khánh Hòa nói với tôi, đã hai lần BN có ý định tự tử đấy. Nguyên nhân sâu xa của BN này là thiếu bản lĩnh sống, vì thế mất lòng tin, đã nhiều lần tuyệt vọng. Nếu không nhờ BS Tân trò chuyện, giảng giải, khuyên giải, lý giải 5 tuần nay và nhất là hàng ngày người chồng yêu thủ thỉ, động viên thì chắc cô không thoát ra được trạng thái TC. Từ TC đến trầm uất không xa. Từ trầm uất đến hành động sai lầm nhất, tiêu cực nhất ở rất nhiều trường hợp nhanh hơn, bất ngờ hơn cả bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

(Còn nữa)