Đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT

(ANTĐ) - Theo BHXH Việt Nam, hiện nay cơ quan này đang cấp thẻ mới cho người lao động (NLĐ) và cán bộ hưu trí. Theo đó, nhiều đối tượng tham gia BHYT sẽ  được tăng quyền lợi thông qua việc đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT. Ông Nguyễn Huy Nghị - Phó Trưởng Ban Cấp sổ thẻ (BHXH Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT

(ANTĐ) - Theo BHXH Việt Nam, hiện nay cơ quan này đang cấp thẻ mới cho người lao động (NLĐ) và cán bộ hưu trí. Theo đó, nhiều đối tượng tham gia BHYT sẽ  được tăng quyền lợi thông qua việc đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT. Ông Nguyễn Huy Nghị - Phó Trưởng Ban Cấp sổ thẻ (BHXH Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

- PV: Đối tượng nào được hưởng lợi trong việc cấp thẻ mới, thưa ông?

- Ông Nguyễn Huy Nghị: Việc này được thực hiện theo quy định của Luật BHYT, nguyên tắc thực hiện là chỉ đổi mã quyền lợi mà không đổi mã đối tượng và chỉ xét đổi từ mã có quyền lợi thấp hơn lên mã có quyền lợi cao hơn mà đối tượng được hưởng. Các trường hợp được đổi mã quyền lợi gồm:

Cán bộ chiến sĩ công an nếu đồng thời tham gia Cách mạng trước 19-8-1945 hoặc là thương bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên được đổi mã quyền lợi từ 3 lên 1; nếu đồng thời là người có công ngoài số đã kể trên được đổi mã quyền lợi từ 3 lên 2; Cán bộ hưu trí nếu đồng thời tham gia Cách mạng trước 19-8-1945 hoặc là thương bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên được đổi mã quyền lợi từ 5 lên 1; nếu đồng thời là người có công ngoài số đã kể trên được đổi mã quyền lợi từ 5 lên 2; nếu đồng thời là người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn được đổi mã quyền lợi từ 5 lên 4.

Người tham gia từ nhóm 1 đến 8 nếu đồng thời tham gia Cách mạng trước 19-8-1945 hoặc là thương, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên được đổi mã quyền lợi từ 7 lên 1; nếu đồng thời là người có công khác ngoài các đối tượng kể trên được đổi mã quyền lợi từ 7 lên 2. Người tham gia từ nhóm 1 đến 12 nếu đồng thời là người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn được đổi mã quyền lợi từ 7 lên 4. Riêng người có công tham gia ở nhóm 9 và những người tham gia từ nhóm thứ 13 đến 25 không cần phải đổi vì mã quyền lợi đã phù hợp với đối tượng.

- PV: Khi thanh toán các chế độ BHYT, người tham gia sẽ được hưởng chế độ như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Huy Nghị: Theo điều 22 Luật BHYT, trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Sau khi xác định đúng mã đối tượng, cơ quan BHXH có trách nhiệm xem xét đến quyền lợi để đổi mã quyền lợi cho phù hợp, đảm bảo cho mọi người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi đúng quy định. BHXH Việt Nam đã ban hành bộ mã để in trên thẻ BHYT, làm cơ sở giải quyết chế độ cho người tham gia khi đi khám chữa bệnh, trong đó mã quyền lợi của người tham gia BHYT được ký hiệu bằng số từ 1 đến 7 theo thứ tự quyền lợi giảm dần.

Người có mã quyền lợi 1 được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh, kể cả dịch vụ kỹ thuật cao và chi phí vận chuyển; mã quyền lợi 2 giống như 1 nhưng dịch vụ kỹ thuật cao chỉ hưởng tối đa tới 40 tháng lương tối thiểu; mã quyền lợi 3 giống như 2 nhưng không được chi phí vận chuyển; mã 4 hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh và được chi phí vận chuyển; mã 5 hưởng 95% và không được hưởng chi phí vận chuyển; mã 6 hưởng 80% chi phí KCB và được chi phí vận chuyển; mã 7 hưởng 80% và không được hưởng chi phí vận chuyển.

- PV: Người thuộc nhóm đối tượng trên, muốn đổi lại mã thẻ cần làm những thủ tục gì?

- Ông Nguyễn Huy Nghị: Để được đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ, người tham gia BHYT phải  xuất trình với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT các loại giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền là người có công. Ví dụ: chứng nhận có huân, huy chương kháng chiến, chứng nhận là cán bộ tham gia Cách mạng trước 19-8-1945, Chứng nhận là Anh hùng Lao động trong kháng chiến, chứng nhận là người bị nhiễm chất độc hoá học, chứng nhận là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, chứng nhận là người có công giúp đỡ cách mạng, chứng nhận là thương, bệnh binh... hoặc có chứng minh là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn.

Huệ Chi

(Thực hiện)