Đổi hạt nhân lấy lương thực

ANTĐ - Việc CHDCND Triều Tiên bất ngờ đồng ý tạm dừng các hoạt động hạt nhân cũng như cho phép các thanh sát viên quốc tế trở lại giám sát cơ sở hạt nhân Yongbyon khiến không ít người bất ngờ bởi chương trình hạt nhân luôn là con "Át chủ bài" của nước này.

Triều Tiên tuyên bố tạm ngừng các hoạt động thử nghiệm tên lửa tầm gần cũng như tầm xa

Trong tuyên bố chính thức đưa ra ngày 29-2, CHDCND Triều Tiên thông báo đồng ý tạm dừng các thử nghiệm hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Yongbyon. Bình Nhưỡng cũng cho phép Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào giám sát việc tạm dừng làm giàu urani trong thời gian diễn ra các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các bên liên quan.

Quyết định trên của CHDCND Triều Tiên được đưa ra ngay sau khi nước này và Mỹ đạt được thoả thuận về việc Bình Nhưỡng đồng ý tạm ngừng các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa cũng như chương trình làm giàu urani để đổi lấy hàng viện trợ từ Washington. Theo đó, Mỹ đã cam kết viện trợ 240.000 tấn "dinh dưỡng", có thể là cả viện trợ lương thực bổ sung, cho CHDCND Triều Tiên.

Việc CHDCND Triều Tiên tạm ngừng các hoạt động hạt nhân để đổi lấy viện trợ từ Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ diễn ra trong bối cảnh quốc gia này đang rất khó khăn về kinh tế, nhất là thiếu lương thực do thiên tại nặng nề nhiều năm liền. Từ năm 1991 đến nay, Triều Tiên đã phải hứng chịu hơn 30 trận lũ và hạn hán tồi tệ trong khi nông nghiệp đóng góp đến 23% GDP cả nước.

Theo Chương trình lương thực thế giới (WFP), 1/3 trẻ em CHDCND Triều Tiên bị suy dinh dưỡng nặng hoặc bị còi cọc. Mùa đông khắc nghiệt cùng nhập khẩu thương mại và hỗ trợ quốc tế bị hạn chế trong năm 2011 càng làm cho khó khăn kinh tế của Triều Tiên nặng nề thêm.

Song theo giới quan sát, không hẳn chỉ vì lý do kinh tế mà CHDCND Triều Tiên đi tới quyết định tạm dừng các hoạt động liên quan tới hạt nhân cũng như mở cửa cơ sở hạt nhân cho các thanh sát viên quốc tế. Động thái rất đáng chú ý này diễn ra khi mà nhà lãnh đạo Kim Jong-Il vừa qua đời tháng 12-2011 và nay con trai ông là Kim Jong-Un trở thành nhà lãnh đạo mới của đất nước.

Đường lối và chính sách của CHDCND Triều Tiên sẽ như thế nào dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un đang thu hút sự quan tâm rộng rãi trên thế giới. Đây tiếp tục là vấn đề cần thời gian trả lời nhưng biết rằng thoả thuận đổi việc tạm dừng các hoạt động hạt nhân lấy viện trợ lương thực từ Mỹ đạt được ngay trong cuộc đàm phán song phương đầu tiên giữa hai nước dưới thời nhà lãnh đạo mới Kim Jong-Un.

Một chuyến hàng viện trợ nhân đạo của Mỹ cho Triều Tiên tới sân bay Thủ đô Bình Nhưỡng năm 2011

Thoả thuận này đang thắp lên hy vọng về việc nối lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vốn đã đình hoãn suốt từ tháng 4-2009 do hàng loạt căng thẳng nối tiếp nhau trên bán đảo Triều Tiên. Lên tiếng ngày 29-2, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng CHDCND Triều Tiên sẽ thực hiện cam kết của mình nhằm hướng tới "một tiến trình phi hạt nhân hóa đáng tin cậy trên bán đảo Triều Tiên".

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba khẳng định, việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân là "một bước đi quan trọng". Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết, cơ quan này "sẵn sàng trở lại" cơ sở hạt nhân Yongbyon để giám sát việc ngừng các hoạt động hạt nhân.