Đổi giờ học, giờ làm nhiều hệ luỵ

ANTĐ - Việc thay đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm xôn xao dư luận. Rất nhiều ý kiến bênh vực, thậm chí là ca ngợi những quyết sách táo bạo của Bộ trưởng mới của Bộ GTVT Đinh La Thăng. Nhưng cũng nhiều người nhìn về phía gia đình mình mà thở dài lo lắng: Sẽ xoay sở ra sao với chính sách mới? Ai sẽ đưa con đi học? Chợ búa, cơm nước ra sao? và nhiều, nhiều nỗi lo lắng nữa.

Mục tiêu chống ùn tắc giao thông

Như một bài viết trước đây trên Báo ANTĐ Cuối tuần, nguyên nhân căn bản của ùn tắc giao thông tại Hà Nội là năng lực hạ tầng giao thông không đáp ứng nhu cầu giao thông, bên cạnh các nguyên nhân khác như tổ chức quản lý giao thông quá kém càng giảm thêm năng lực hạ tầng, cùng ý thức tôn trọng luật giao thông đường bộ quá thấp của người tham gia giao thông. Vậy thay đổi giờ học, giờ làm việc của người dân nhằm làm giảm bớt nguyên nhân nào cho ùn tắc giao thông? Đó là tổ chức lại giao thông, điều chỉnh nhu cầu giao thông để tăng khả năng khai thác hạ tầng giao thông. Nói nôm na trên cùng một km2 mặt đường lúc 7h30 sáng có 10 nghìn người có nhu cầu đi lại thì sau khi điều chỉnh giờ học, giờ làm, các nhà tổ chức giao thông hy vọng lúc 7h30 chỉ còn 5 nghìn người có nhu cầu đi lại thôi. Đường sẽ bớt tắc.

Thật ra việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để chống ùn tắc giao thông không mới. Ở các nước trên thế giới cũng đã có nhiều thành phố áp dụng và cũng có nơi thành công. TP Hồ Chí Minh năm 2003 và năm 2009 cũng đã có 2 lần điều chỉnh giờ học, giờ làm được đem ra bàn và đã làm thí điểm trước khi giải pháp này được cất vào ngăn kéo. Và bây giờ Hà Nội bắt đầu xem xét.

Theo đề xuất của Bộ GTVT giờ làm, giờ học của các đối tượng sẽ được điều chỉnh như sau: học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ học từ 8h đến 16h30 tan học, học sinh trung học sẽ học từ 7h đến 16h30, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề vào học lúc 6h30 tan học vào lúc 17h30 -7h45. Cán bộ các cơ quan trung ương làm việc từ 9h đến 18h, cán bộ các cơ quan Hà Nội làm việc sớm hơn 30 phút và về sớm hơn 30 phút.

Tổng số người trong các nhóm đối tượng điều chỉnh giờ làm khoảng 2 triệu người trên hơn 6,5 triệu dân Hà Nội. Trong đó có 202.966 cán bộ các cơ quan Trung ương đóng tại Hà Nội, 152.294 cán bộ các cơ quan Hà Nội, 350 nghìn học sinh mầm non, 500 nghìn học sinh tiểu học, 320 nghìn học sinh trung học cơ sở, trên 300 nghìn học sinh trung học phổ thông và 500 nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Các con số nghe rất thuyết phục, nhưng đây là toàn thành phố còn ở các nơi ùn tắc là trung tâm, cửa ngõ thành phố thì các con số khiêm tốn hơn nhiều. Nói như ông Nguyễn Bá Lực, Phó Trưởng phòng Chính sách lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH) giải pháp này tác động lên khoảng 30% số người tham gia giao thông vào giờ cao điểm.

Nhưng theo ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng phòng Trường học (Sở GD-ĐT Hà Nội) thì con số còn thấp hơn. Theo ông con số học sinh trong các quận nội thành thấp hơn rất nhiều (khoảng 40% số liệu đã dẫn) và hầu hết học ở trong quận, tỷ lệ trái tuyến chỉ khoảng 10-12%. Như vậy số lượng hơn 1 triệu học sinh bậc mầm non và phổ thông không phải là đối tượng đáng quan tâm trong việc giải quyết ùn tắc giao thông. Số lượng sinh viên khoảng 500 nghìn người, đa số tập trung tại quận Cầu Giấy và Đống Đa, số lượng người tham gia giao thông qua 69 điểm ùn tắc (theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội) là sinh viên chiếm tỷ lệ không gây ảnh hưởng lớn. Và cuối cùng trong các nhóm điều chỉnh giờ học, giờ làm đề xuất của Bộ GTVT là cán bộ công tác tại các cơ quan Trung ương và Hà Nội (khoảng 356.360 người) có thể là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông? Nhưng trước khi tìm hiểu nhóm đối tượng nào có nhu cầu giao thông lớn nhất trong giờ cao điểm, chúng ta cần xem xét giờ học, giờ làm đóng vai trò thế nào đối với gia đình và xã hội.


Giờ học - giờ làm với gia đình và xã hội

Đối với gia đình Việt Nam giờ học, giờ làm và giờ về của các thành viên trong gia đình quyết định nếp sống gia đình. Theo đề xuất của Bộ GTVT các cơ quan Trung ương, 18h tối mới tan sở thì tất cả các phụ nữ làm việc ở các cơ quan này sẽ không đảm nhiệm được chức năng nội trợ trong gia đình, họ sẽ không thể đưa con đi học, không đón con về, khỏi chợ búa cơm nước… Họ sẽ dành hết những phần việc đó cho người khác. Và nếu bữa cơm muộn thì tất cả những chương trình giải trí buổi tối, việc học bài của trẻ… sẽ không còn nữa.

Nhưng không chỉ vậy, từ nếp sống, thời gian biểu hoạt động của mỗi gia đình cả một guồng máy dịch vụ phục vụ nhu cầu sống và sinh hoạt của các gia đình cũng phải chạy theo thời gian biểu đó. Để phục vụ cho bữa ăn sáng của mỗi gia đình diễn ra trong khoảng 6h đến 7h30 hàng ngày, người dân phải dậy đi vào thành phố từ lúc 4-5h sáng để mang đủ các loại nguyên vật liệu chế biến thực phẩm và cả thực phẩm đã chế biến. Để phục vụ các bà nội trợ đi chợ sáng chuẩn bị cho bữa cơm gia đình cả ngày, hàng chục chợ đêm đã mở cửa từ 2-3h sáng, hàng ngày bà con nông dân đổ bộ vào thành phố từ đêm… Rồi nữa, các hàng quán, các cửa hàng thời trang, tạp hóa… đều trông vào cái nền nếp ấy mà tổ chức sản xuất kinh doanh. Thậm chí các đoàn diễn nghệ thuật cũng phụ thuộc vào cái giờ học giờ làm để tổ chức biểu diễn. Trước đây, các đêm diễn thường khai mạc vào lúc 20h còn bây giờ để có khách, các đêm diễn sẽ phải bắt đầu vào lúc 21h-22h đêm. Chao ôi, nhìn lại mới thấy cuộc sống gắn bó với cái khái niệm “giờ hành chính” biết bao nhiêu. Bây giờ người người ta vứt bỏ nó chúng ta sẽ thấy tiếc nuối, tiếc nuối vì phải đối mặt với sự xáo trộn nghiêm trọng. 

Còn đối với hệ thống dịch vụ thì sẽ rất nghiêm trọng. Không thể nói như đại diện của Sở Công Thương trong cuộc họp ngày 25-10-2011 tại UBND TP Hà Nội khi nói hệ thống dịch vụ không bị ảnh hưởng do thay đổi giờ học giờ làm vì các trung tâm thương mại vốn cũng mở cửa vào lúc 9h30 sáng rồi. Thậm chí ông còn đề nghị cho phép đóng cửa sớm các trung tâm thương mại bởi vì dân không ai đến các trung tâm thương mại vào quá 22h nữa. Tuy nhiên xin nhắc rằng các trung tâm thương mại chiếm thị phần bán lẻ chủ yếu chính là các chợ, các cửa hàng ngoài phố, ngoài vỉa hè. Các dịch vụ cũng được cung cấp không phải từ các trung tâm thương mại được quản lý bởi Sở Công thương. Nghe kỹ mới thấy việc đề ra giải pháp thay đổi giờ học, giờ làm, người ủng hộ giải pháp này và cả một số người phản đối nữa, tất cả đều đã quá vội vàng. Điều đó cho thấy việc  thay đổi nền nếp sinh hoạt của gia đình, sự thay đổi của hệ thống dịch vụ khổng lồ, xương sống của nền kinh tế thành phố cũng cần phải được tính đến.

Thay đổi giờ học, giờ làm và hiệu quả

Như nhiều nhà quản lý giao thông đã phát biểu, đối tượng mà giải pháp thay đổi giờ học giờ làm chỉ chiếm 20-30% lượng người tham gia giao thông trong giờ cao điểm ở Hà Nội. Vậy các đối tượng khác là ai? Chúng tôi đã tiến hành điều tra không chính thức tại các điểm ùn tắc buổi chiều, buổi sáng trên đường Trường Chinh, Ngã Tư Sở, đường Khuất Duy Tiến, đường Cái Linh, thậm chí tại ngõ nhỏ Vũ Thạnh trong các ngày 23 đến 25-10-2011.

Vào buổi sáng, 70% số người tham gia giao thông là đi học, đi làm. Chỉ có 10% đi làm tại các cơ quan hành chính, còn lại đi làm tại các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ nhỏ và vừa phục vụ dân sinh. Buổi chiều 50% số người tham gia giao thông trả lời phỏng vấn là về nhà và chỉ có 5% số đó là làm tại các cơ quan hành chính. 50% còn lại đi làm việc riêng, ví dụ gặp gỡ bạn bè, mua bán hoặc thụ hưởng dịch vụ… Và chắc chắn 90% số người này cũng sẽ bị điều chỉnh thời gian tham gia giao thông nếu giải pháp điểu chỉnh giờ học, giờ làm được đưa vào thực hiện. Ví dụ anh không thể rủ bạn anh đi uống cốc bia buổi chiều được nếu anh ra về lúc 16h và bạn anh đi về vào lúc 18h. Và chắc chắn nếu cả 2 tan sở vào lúc 18h sẽ không thể ngồi với nhau được nữa vì còn phải về lo việc nhà. Dĩ nhiên, tôi đang nói tới những người có trách nhiệm với gia định và xã hội, còn với các anh “vui là chính” thì trời sập, nhậu vẫn nhậu.

Có nghĩa là rất có khả năng, việc thay đổi giờ học giờ làm sẽ có hiệu quả nào đó giảm ùn tắc giao thông. Vấn đề là giảm bao nhiêu và giá là bao nhiêu?

Theo chúng tôi nhận thấy lúc nào tình trạng giao thông tại Hà Nội cũng như cốc nước đầy. Chỉ cần một giọt nhỏ, nước sẽ tràn. Dòng người xe đang chảy một cách rất trật tự, nhưng chỉ một va chạm nhỏ, một xe ôtô rẽ trái vội vàng… vậy là các phương tiện tràn lên và ùn tắc giao thông xảy ra. Việc thay đổi giờ học, giờ làm sẽ làm giảm được ùn tắc giao thông trong khoảng thời gian từ 6h30-8h và từ 14h30-8h tại các điểm ùn tắc hiện tại. Lượng giảm theo lượng tính của những người điều tra sẽ khoảng 10%. Tuy nhiên, khả năng xảy ra ùn tắc trong khoảng thời gian từ 8h-9h30 sáng và từ 6h đến 7h tối sẽ tăng thêm 20%. Và nếu như vậy cũng đã quá tốt.

Và cũng theo chúng tôi, còn rất nhiều các biện pháp có thể thực hiện được, cho kết quả tương tự. Ví dụ hạn chế xe ôtô đi vào thành phố có thể tạo ra hiệu quả gấp 2 lần thay đổi giờ học, giờ làm nhưng chỉ tác động tới hoạt động của khoảng 20 nghìn người, cấm đỗ xe trên đường phố có thể làm ảnh hưởng tới khoảng 15 nghìn người… Tại sao chúng ta không thực hiện những giải pháp đó trước mà thực hiện những giải pháp ảnh hưởng đến hàng triệu người? Về mặt tài chính có vẻ việc thu hồi các điểm giữ xe trên mặt đường các quận trung tâm có thể gây thất thu chút ít cho ngân sách. Tuy nhiên nếu thay đổi giờ học, giờ làm, chúng ta sẽ gây thiệt hại cho các gia đình và cho cả guồng máy dịch vụ tới hàng nghìn tỷ đồng. Với số tiền này có thể di dời hàng chục bệnh viện, trường học và các cơ sở sản xuất ra khỏi các quận trung tâm, mở rộng thêm các trục đường hướng tâm giải tỏa ùn tắc tại các điểm nút ra vào các quận trung tâm…

Ùn tắc giao thông là căn bệnh lâu năm, cần phải có các biện pháp điều trị cẩn trọng, phối hợp điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng. Đặc biệt cần tránh việc nóng vội.

Những việc có thể làm ngay

Cũng như loạt bài trước trên ANTĐ Cuối tuần, để giải quyết tận gốc tình trạng ùn tắc giao thông cần phải tăng năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông và từng bước giảm nhu cầu giao thông. Đó là các giải pháp mở thêm và rộng đường giao thông, kể cả thêm đường trên cao, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng đồng thời đưa các cơ sở sản xuất, bệnh viện lớn, các trường đại học, các cơ quan Trung ương ra ngoài trung tâm… Nhưng các giải pháp này cũng không thể thực hiện ngay được vì cần có những điều kiện kinh tế, kỹ thuật nhất định, vì vậy cần sớm có các giải pháp giải quyết trước mắt để làm giảm ùn tắc. Chúng tôi xin đề xuất mấy giải pháp có thể thực hiện ngay.

Trước hết mở ngay, thậm chí là tạm thời một số bãi đỗ xe ngoài vành đai 3 và ban hành giải pháp hạn chế ôtô vào thành phố. Ước tính nếu giảm được 30% ôtô vào thành phố sẽ giảm được 20% số vụ ùn tắc giao thông. Sau giải pháp hạn chế ôtô vào thành phố là giải pháp hạn chế ôtô lưu thông giờ cao điểm. Ôtô lưu thông giờ cao điểm trên một số tuyến đường, tuyến phố phải mua thẻ giá cao. Số tiền thu được sẽ đầu tư vào hạ tầng giao thông. Cả hai giải pháp hạn chế ôtô trên phải song hành với chính sách hạn chế xe máy. Cần cấm ngay các xe máy không đủ tiêu chuẩn môi trường lưu thông trên đường. Việc này sẽ loại ngay ít nhất nửa triệu xe máy ra khỏi lưu thông. Sau đó là chính sách hạn chế tổng lượng xe máy đăng ký mới. Đối với các phố trung tâm, kiên quyết không cho tồn tại các điểm giữ xe ôtô dưới lòng đường. Cấm tuyệt đối việc để xe dưới lòng đường, cấm để xe máy trên vỉa hè các phố có vỉa hè rộng dưới 5m. Cấm tuyệt đối việc sử dụng hè đường cho mục đích kinh doanh.

Về tổ chức giao thông, hiện nay trên một số tuyến đường buổi sáng chiều vào tắc, chiều ra vắng người lưu thông, buổi chiều ngược lại. Tuy nhiên, việc điều hành quá cứng nên tạo ra sự hạn chế năng lực hệ thống hạ tầng giao thông. Đề nghị điều chỉnh chiều đường, làn đường theo giờ bằng các giải phân cách mềm và nhẹ. Bên nào đông người, xe đi sẽ được sử dụng phần lớn hơn.

Phân tích để thấy rằng giải pháp điều chỉnh giờ học giờ làm cần xem xét kỹ, lấy ý kiến phản biện của nhân dân trước khi thực hiện.