Đòi đuổi việc cô giáo tát học sinh, dư luận quyết định thay ngành giáo dục?

ANTD.VN - Thái độ ăn năn, khóc lóc, thậm chí là run sợ của cô Nguyễn Thị Thu Trang, trường tiểu học Quán Toan, Hải Phòng trong buổi làm việc chiều 16/5 không thể xoa dịu dư luận sau hành vi tát liên tiếp nhiều học sinh của cô giáo này.

Chiều 16/5, trong cuộc làm việc với cơ quan chức năng với các bên liên quan đến clip cô giáo tiểu học Quán Toan, Hải Phòng tát liên tiếp học sinh lớp 2 ngay trong lớp học, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang đã bày tỏ sự hối hận, lo lắng và xin lỗi về hành vi ứng xử thiếu đạo đức nghề nghiệp của mình.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh sau khi chứng kiến hình ảnh thực trên clip được đăng tải trên mạng xã hội thì đều cho rằng không thể nương nhẹ với hành vi đánh học sinh của cô giáo Trang. Thậm chí, mức kỷ luật ban đầu là đình chỉ 6 tháng, không được đảm nhiệm chủ nhiệm lớp 1 năm của UBND quận Hồng Bàng, Hải Phòng cũng bị đánh giá là quá nhẹ.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang khóc và bày tỏ hối hận về hành động của mình

Có phụ huynh bình luận không có tình thương yêu trẻ thì xin đừng làm nghề giáo và đặc biệt là dạy các lớp đầu cấp, các cháu sẽ rất tổn thương. Ngoài ra, nhiều người còn yêu cầu kỷ luật cô giáo cô Phạm Thị Vân cũng có mặt tại lớp này khi vụ việc diễn ra. Cô giáo này không những không ngăn đồng nghiệp mà cũng hùa theo “tạt tai” học sinh khác.

Thực tế, lãnh đạo UBND Thánh phố Hải Phòng cũng đã yêu cầu quận Hồng Bàng ngay sau cuộc làm việc ngày 16/5 phải kiểm tra lại việc xử lý, kỷ luật với cô Nguyễn Thị Thu Trang.

Trường hợp chưa đủ nghiêm khắc, đề nghị xử ý nghiêm khắc với hình thức cao nhất theo quy định, kể cả hình thức buộc thôi việc. Bên cạnh đó còn phải xem xét tiếp trách nhiệm, xử lý kỷ luật với cô giáo Lê Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A7, thậm xem xét bổ sung nếu giáo viên khác có liên quan tới việc này.

Hành vi tát học sinh liên tục của cô giáo khiến dư luận khó lòng thông cảm

Sự phẫn nộ của dư luận, đặc biệt là những bức xúc về những vụ việc liên tiếp từ lỗi nghiệp vụ của các giáo viên gần đây khiến nhiều người nghi ngờ tính răn đe và hiệu lực của hình thức kỷ luật của ngành giáo dục không đủ để ngăn chặn bạo lực học đường.

Đây chính là lý do khiến đa phần dư luận đều lên tiếng ủng hộ việc đưa cô giáo tiểu học Quán Toan ra khỏi ngành. Tuy nhiên, khi được hỏi ý kiến về tình huống này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, dư luận không thể quyết định thay hội đồng kỷ luật của ngành giáo dục.

“Hãy để cho nhà trường làm đúng trách nhiệm, phạm vi của mình. Lỗi của cô giáo đánh học sinh đã rõ nhưng còn phải xem xét đến quá trình công tác, đến sai phạm đã xảy ra một lần hay nhiều lần, cô giáo gây ra hành vi vi phạm có vấn đề tâm lý gì không… và quan trọng là phải xử lý theo đúng quy định pháp luật thay vì xử theo sức ép dư luận” – ông Lâm nói.

Về góc độ cá nhân, TS Lâm cho rằng, đã đến lúc phải cụ thể hóa những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo vào quy định pháp luật để làm căn cứ xử lý sai phạm, tránh để dư luận cho rằng ngành giáo dục nương nhẹ, ngăn chặn không hiệu quả bạo lực học đường, ảnh hưởng đến niềm tin vào giáo dục.

“Cá nhân tôi cho rằng, ở đây, ngoài lỗi của cô giáo về nhận thức yếu, nghiệp vụ sư phạm kém thì còn phải nói đến vai trò của nhà trường.

Nếu một hội đồng sư phạm làm tròn trách nhiệm thì trong tập thể đó sẽ không có cá nhân nào có can đảm làm những việc vi phạm đạo đức nhà giáo như trường hợp cô Nguyễn Thị Thu Trang và cô Phạm Thị Vân. Do vậy, việc xem xét trách nhiệm và xử lý với tập thể lãnh đạo nhà trường là cần thiết trong trường hợp này” - TS Lâm nói.