Người dùng có thể bị theo dõi điện thoại khi sao chép dữ liệu từ máy cũ sang máy mới |
Ông Vũ Ngọc Sơn- Giám đốc Kỹ thuật Công ty NCS cho hay, việc sao chép dữ liệu từ điện thoại cũ sang điện thoại mới giúp cho người dùng tiết kiệm được thời gian để thiết lập lại môi trường sử dụng, giải trí, làm việc trên điện thoại khi không phải cài lại tất cả các phần mềm ứng dụng cũng như đăng nhập lại tài khoản, mật khẩu trên điện thoại mới.
Có khá nhiều ứng dụng giúp sao chép dữ liệu từ điện thoại cũ sang điện thoại mới. Các dữ liệu được sao chép có thể gồm: danh bạ, tin nhắn, hình ảnh, clip đến cả các dữ liệu của các ứng dụng như: thông tin tài khoản, session (phiên đăng nhập)…
Tuy nhiên, tại Việt Nam, người dùng thường không thực sự thành thạo việc sao chép dữ liệu nên thường sẽ nhờ 1 người khác biết về kỹ thuật thao tác hộ.
“Bạn cần hết sức cảnh giác, đây có thể là nguy cơ khiến điện thoại của bạn có thể bị theo dõi từ xa. Khá nhiều ứng dụng phổ biến đang được sử dụng tại Việt Nam không thực hiện xác minh lại session khi chạy trên thiết bị mới, có thể kể đến các các tên đình đám như: Whatsapp, Telegram, Snapchat... Điều này có nghĩa nếu sao chép được dữ liệu sang 2 thiết bị khác nhau thì các ứng dụng này được dùng song song trên cả 2 thiết bị với cùng 1 tài khoản. Thiết bị này nhận dữ liệu gì thì thiết bị kia cũng nhận được và ngược lại”- ông Vũ Ngọc Sơn nói.
Như vậy, nếu "người được nhờ" sao chép dữ liệu cố tình sao chép "thêm" sang 1 thiết bị thứ 2 thì nạn nhân sẽ bị kẻ xấu theo dõi mà không cần phải cài thêm phần mềm nghe lén. Từ đó sẽ phát sinh những nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Để phòng tránh việc bị theo dõi, chuyên gia của NCS lưu ý người dùng không nên nhờ người khác thực hiện giúp việc sao chép dữ liệu từ điện thoại cũ sang điện thoại mới nếu bạn không giám sát trực tiếp quá trình sao chép.
Đồng thời, kiểm tra các thiết bị đang đăng nhập bằng tài khoản của bạn bằng cách vào mục settings -> devices trong các ứng dụng OTT đang cài trên máy của bạn; Rà soát và loại bỏ các thiết bị bạn đang không sở hữu.