Đời đẻ thuê và những màn đánh ghen lạnh gáy

ANTĐ - “Vừa nghe tiếng gõ cửa, chưa kịp hỏi ai thì người phụ nữ ấy cùng một vệ sĩ đã xông thẳng vào nhà tôi trong khi tôi và đối tác chưa kịp “thực hiện” công việc “truyền giống”. Không một câu hỏi han, bà ta lao vào túm tóc rồi nghiến răng chửi tôi những câu thô tục, tát lấy tát để khiến tôi không thể kêu lên.
Ông khách - chính xác là chồng của người phụ nữ ấy - đã cúi gằm mặt xuống mà không có bất cứ một hành động nào hay một lời giải thích. Lúc ấy, tôi mới biết mình bị mắc lừa” - chị Hạnh bàng hoàng nhớ lại màn đánh ghen đứng tim của vợ ông chủ khi bắt gặp hai người đang chuẩn bị “truyền giống” tại phòng riêng.
Kiều nữ đẻ thuê và những hợp đồng đầy nước mắt
Vì hoàn cảnh khó khăn, vì tiền, những người phụ nữ đẻ thuê đã sẵn sàng chấp nhận “bán con”, đứa con mà họ rứt ruột sinh ra, để rồi sau đó là những giọt nước mắt muộn màng, hối hận và sự ám ảnh. 
Nhưng rồi vẫn “ngựa quen đường cũ”, có lần một thì ắt sẽ có lần hai, cuộc đời đã không cho họ được quyền lựa chọn giữa tiền bạc và những đứa con của mình. Cũng vì lẽ đó mà có biết bao nỗi đau lại nối tiếp nỗi đau, cuộc đời của họ lại càng rơi vào bi kịch, bế tắc và họ không còn lý trí để tìm cho mình một sự giải thoát.
Khi sinh ra, ai cũng đã được sắp đặt nhiệm vụ của mình. Với người phụ nữ, ông trời đã ban cho họ thiên chức cao cả là được làm mẹ. Thế nhưng, có không ít người đã lợi dụng nó, đánh đổi nó lấy tiền để rồi chuốc lại là sự ân hận, nỗi ám ảnh sau này.
Đã từng đẻ thuê đến hai lần nên chị Quế (Cao Bằng) cảm nhận được nỗi đau mất đi đứa con ruột thịt của mình. Mặc dù nó không phải là đứa con được sinh ra từ tình yêu của hai người, nhưng đứa bé đã nằm trong bụng chị suốt 9 tháng, 10 ngày, gắn bó với chị và do chị rứt ruột đẻ ra. 
Lần đầu sinh con ra, chị sung sướng khi nhìn thấy khuôn mặt bụ bẫm, trắng trẻo của con, nhưng chưa được ẵm con thì nó đã được chuyển cho người khác. Cầu xin mãi, chị mới được bế và cho con bú một ngày. Xa đứa bé, chị mất ăn, mất ngủ và rầu rĩ cả tuần trời. Sức khỏe thì không còn, nhìn mớ tiền nhận được từ việc bán con, lòng chị đau nhói.
Nhưng rồi, chị vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của việc đẻ thuê, và chị đã dính vào nó lần thứ hai. Lần này, chị đã lên kế hoạch chu đáo để vừa được nhận tiền, vừa được nuôi con. 
Đời đẻ thuê và những màn đánh ghen lạnh gáy
Ảnh minh họa 
Gạt nước mắt, chị Quế tâm sự: “Ngày vào viện sinh con, tôi đã cầu xin bác sĩ thông báo cho người nhà rằng đứa bé đã chết sau khi sinh. Rồi sau ngày xuất viện, một mình tôi bế con đi bỏ trốn. Thế nhưng, “nhân tính không bằng trời tính”. 
Khi đã bỏ trốn được hai tháng, một lần tình cờ đi khám cho con, tôi đã bị người thuê đẻ phát hiện. Họ điều tra và biết rằng đứa con của tôi chính là đứa trẻ mà lẽ ra phải thuộc về họ. Và họ tới nhà đòi con, yêu cầu tôi bồi thường, nếu không sẽ cho tay chân xử lý. 
Tôi đã cố van xin để họ cho tôi tiếp tục được nuôi con thêm một thời gian cho cháu cứng cáp nhưng họ không đồng ý. Hoàn toàn bất lực, một lần nữa tim tôi lại đau nhói khi phải rời xa đứa con tội nghiệp của mình”. Kể từ đó, chị Quế đã không còn làm nghề đẻ thuê nữa, bởi sức chịu đựng của chị không còn. Chị đau đớn về thể xác một thì sự dày vò lương tâm lớn gấp mười lần.
Cũng làm nghề đẻ thuê, mới bước chân vào nghề nên Thu Ngọc còn nhiều bỡ ngỡ khi vấp phải những tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Lần đầu nhận được hợp đồng, Ngọc vui vẻ vì được cả ông bà chủ đều quý, nhất là bà vợ, chu cấp cho cô đầy đủ nơi ở, ăn uống và điều kiện sinh hoạt tốt để có thể sinh cho họ một đứa con kháu khỉnh. 
Ngọc cũng ung dung chỉ việc ngồi một chỗ và chăm sóc đứa con trong bụng mà không phải làm bất cứ việc gì. Cô còn tự hào khoe với “đồng nghiệp” vì không phải người phụ nữ đẻ thuê nào cũng nhận được sự ưu ái từ phía ông bà chủ như cô.
Nhưng rồi, ba tháng mang bầu trôi qua. Ngọc không còn nhận được sự viện trợ nữa. Cô cứ nghĩ họ đang bận nên chưa có thời gian đến thăm mình. Nhưng khi gọi điện hỏi bà chủ thì Ngọc nhận được câu trả lời: “Chúng tôi ly hôn rồi, cô đẻ con cho anh ta thì đi tìm anh ta mà đòi trợ cấp. Tôi bây giờ chẳng còn trách nhiệm gì với cô cả”. 
Ngọc sửng sốt, bối rối, vội điện thoại cho người chồng thì thuê bao không liên lạc được. Thế là đứa con trong bụng Ngọc trở thành gánh nặng cho cô. Bỏ không được mà nuôi cũng không xong. Giờ đây, Ngọc sẽ phải làm gì để kiếm tiền khi đứa bé cứ lớn dần trong bụng trong lúc cô không có một công việc ổn định, không người thân thích nơi đất khách quê người?
Những màn đánh ghen lạnh người
Những người đẻ thuê nếu gặp những người tử tế, thực lòng muốn có con thì không sao, thậm chí còn được đối đãi rất hậu hĩnh. Nhưng nếu gặp phải những tay lừa đảo thì chuyện phải đối mặt với những trường hợp oái oăm, dở khóc dở cười là chuyện bình thường. Một trong những tình huống khiến những người đẻ thuê khốn khổ, đó là khi gặp phải những ông khách lắm “quái chiêu” và bị các bà vợ thật đánh ghen.
Chị Hạnh - biệt danh là “máy đẻ” - nhớ lại tình huống mình bị khách lừa mà không thể ngờ tới vì gặp phải một gã lắm mưu mô, thủ đoạn. Sau khi đã có kinh nghiệm từ lần đẻ thuê trước, để không bị mắc bẫy, chị yêu cầu hợp đồng đẻ thuê phải có sự chứng kiến và thỏa thuận của cả hai vợ chồng bên thuê. 
Theo yêu cầu của chị, hai vợ chồng khách hàng tới thương lượng và kí hợp đồng với chị, sau đó hẹn hôm khác sẽ tới đưa tiền đặt cọc cho chị và thực hiện “truyền giống” lần thứ nhất.
Hôm ấy, chị Hạnh ở nhà đợi khách tới. Ngay khi ông khách mới bước chân vào nhà thì chị đã bị vợ thật của ông ta đánh ghen. Hành động dã man của bà ta khiến chị sửng sốt, không kịp trở tay. Lúc ấy, chị mới ngớ người ra, thì ra gã khách hàng “cao tay” hơn mình. Và cô “vợ” đã ký hợp đồng với chị hôm trước thực ra chỉ là “vợ hờ”.
Chị Hạnh bàng hoàng nhớ lại hôm đó: “Vừa nghe tiếng gõ cửa, chưa kịp hỏi ai thì người phụ nữ ấy cùng một vệ sĩ đã xông thẳng vào nhà tôi trong khi tôi và đối tác chưa kịp làm gì để “thực hiện” hợp đồng “truyền giống”. Không một câu hỏi han, không cần một lời giải thích, bà ta lao vào túm tóc rồi nghiến răng chửi tôi những câu thô tục, tát lấy tát để khiến tôi không thể kêu lên. 
Bà ta còn dọa tôi nếu còn tiếp tục dụ dỗ chồng bà thì coi chừng sẽ bị tạt axít nữa. Ông khách - chính xác là chồng của bà ta - đã cúi gằm mặt xuống mà không có bất cứ một hành động nào. Lúc ấy tôi mới đau đớn nhận ra mình bị mắc lừa”.
Thì ra người đàn bà ấy và ông khách ký hợp đồng với chị Hạnh là hai vợ chồng. Họ đã kết hôn được năm năm rồi nhưng vẫn chưa có con do vợ vô sinh. Nhưng vì bà vợ ghê gớm, nhà lại có thế lực nên ông chồng không dám ly hôn, song lại muốn có con nối dõi, vì thế ông ta đã quyết định giấu vợ tìm người đẻ thuê. Nhưng không ngờ chuyên bị bại lộ khi ông chưa kịp làm gì.
Thế là không những hợp đồng bị chấm dứt, chị Hạnh còn chịu một màn đánh ghen hãi hùng của người vợ. Chị thở dài: “Đúng là trên đời này lắm loại người, muôn hình muôn vẻ. Mình có phòng cũng chẳng ích gì, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.
Không bị phát hiện ngay từ đầu, nhưng màn đánh ghen mà Hương gặp phải cũng không kém phần quyết liệt khiến Hương cảm thấy xấu hổ. Đây là lần đầu tiên Hương đẻ thuê. Mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp cho tới khi Hương có bầu được năm tháng. Hương may mắn vì được ông chủ thường xuyên dẫn đi khám bệnh, mua đồ tẩm bổ cho ăn.
Tuy nhiên, điều mà Hương không thể ngờ là chính hôm được ông chủ dẫn đi khám bệnh lại là ngày Hương cảm thấy xấu hổ, tủi nhục nhất trong đời. Hương nhớ lại ngày hôm ấy, ông chủ đưa Hương tới bàn làm thủ tục khám bệnh. Để không bị ai phát hiện, hai người đã đóng giả là vợ chồng của nhau. 
Không ngờ, hôm đó “chị nhà” - vợ của ông chủ Hương - cũng tới khám phụ khoa, thấy Hương và ông chồng đi cùng nhau đã lén theo dõi và cuối cùng thì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Mọi chuyện vỡ lở và Hương phải chịu một trận đánh ghen mất mặt.
“Giữa đám đông, trước sự trứng kiến của tất cả mọi người, chị ta đã giật mạnh bờ vai em và tát một cái vào má khiến em đau điếng. Sau đó, chị ấy vừa nghiến răng vừa chỉ tay vào em và nói những câu lăng mạ nhân phẩm rằng em là đứa lăng loàn, là đứa con gái vô liêm sỉ,… chị ta đẩy mạnh khiến em ngã, và còn định giơ chân đạp vào bụng em. 
Cũng may có mọi người can ngăn, nếu không có lẽ đứa con trong bụng em đã không còn. Lúc ấy, “chồng hờ” của em cũng đã bị chị ấy mắng té tát trước bao con mắt soi mói của mọi người. Nhưng sau đó, anh ấy cũng đã kịp dắt tay vợ ra ngoài” - Hương sợ hãi nhớ lại.
Chừng nào đẻ thuê còn là một dịch vụ chui, chừng nào nhu cầu đẻ thuê vẫn còn gia tăng thì những người đẻ thuê còn phải chịu rất nhiều nỗi đau đớn về thể chất lẫn tinh thần, trước mắt và cả lâu dài. Không ai có thể bảo vệ họ bởi những hợp đồng mà hai bên ký với nhau không có hiệu lực pháp lý, nó chỉ là những bản hợp đồng dựa vào nhu cầu và sự tin tưởng lẫn nhau của đôi bên. 
Rồi đến một lúc nào đó, khi nhìn nhận lại sự việc, chắc chắn sẽ có không ít người phải xót xa vì những việc mình đã làm. Và rồi sau này, những đứa trẻ sẽ sống và nghĩ gì khi biết sự thật về người đã sinh ra nó?