Đối đầu Nga - Mỹ đi vào ngõ cụt?

ANTĐ - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố gói trừng phạt kinh tế lớn nhất nhằm vào Nga kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Obama cho biết, những đòn trừng phạt mới nhất là nhằm vào những mục tiêu cụ thể nhưng chúng “được thiết kế để gây ra tác động, ảnh hưởng tối đa đối với Nga trong khi hạn chế khả năng gây hậu quả ngược lại cho các công ty Mỹ hoặc các đồng minh”.

Trong số những mục tiêu bị trừng phạt có Tập đoàn Dầu khí Rosneft, các công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, tài chính và quốc phòng. Mỹ giới hạn sự tiếp cận vào các thị trường tài chính Mỹ của các Ngân hàng Nga như Gazprombank OAO, VEB và các Công ty Năng lượng như OAO Novatek, Rosneft. Các tập đoàn khác của Nga cũng bị áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ bao gồm Tập đoàn Dầu khí thứ hai của Nga Novatek, Vnesheconombank (VEB) - ngân hàng chịu trách nhiệm thanh toán các chi tiêu của Chính phủ Nga và 8 công ty sản xuất vũ khí của nước này bị Washington cáo buộc có liên quan đến tình hình bất ổn ở Ukraine.

Đồng thời, trong số các cá nhân người Nga mới được đưa thêm vào danh sách trừng phạt của Mỹ đợt này có Bộ trưởng Các vấn đề Crimea Oleg Savelyev, Phó Chủ tịch Quốc hội Nga Sergei Neverov, cố vấn Tổng thống Nga Igor Shchegolev và Thủ tướng Nước Cộng hòa tự xưng Donetsk Aleksandr Boroday.

Tuy nhiên, phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17-7 cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Washington nhằm vào Moscow sẽ phản tác dụng, tác động ngược trở lại Mỹ và giáng một đòn mạnh vào quan hệ song phương của 2 nước. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và đổ lỗi cho Nga về tình hình bất ổn ở Ukraine đi ngược lại với lợi ích quốc gia của Mỹ. “Đối với các lệnh trừng phạt, bao giờ nó cũng mang lại hiệu ứng kiểu boomerang (tác động trở lại), và rõ ràng là nó sẽ đẩy quan hệ Nga - Mỹ đi vào ngõ cụt. Đây là một đòn giáng nghiêm trọng vào mối quan hệ của chúng tôi. Và về lâu dài, nó làm suy yếu các lợi ích về an ninh của Mỹ và công dân của họ” - Reuters dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, phát biểu tại Brazil.

EU tuần qua cũng thống nhất trừng phạt những công ty Nga có liên quan đến bất ổn ở Ukraine, đồng thời chặn những khoản vay mới của Moscow từ hai tổ chức đa phương, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế. EU soạn thảo xong bản danh sách đầu tiên gồm các công ty và cá nhân bị đóng băng tài sản theo các tiêu chuẩn mới vào cuối tháng 7-2014.

Việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ làm sâu sắc thêm những bất đồng nghiêm trọng nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Giới quan sát nhận định nhiều khả năng lượt cấm vận mới sẽ đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng cho rằng các công ty năng lượng mới của Mỹ sẽ là nạn nhân hàng đầu của các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. "Điều này nghĩa là những doanh nghiệp Mỹ, muốn hoạt động tại Nga, sẽ mất đi khả năng cạnh tranh với các công ty năng lượng toàn cầu khác", ông Putin nói. Điều này không phải là không có cơ sở. Hồi tháng trước, Hiệp hội Thương mại và Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ cho hay sẵn sàng công khai chống lại Tổng thống Barack Obama về việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hai hiệp hội này tuyên bố trên các tờ báo uy tín của Mỹ như The New York Times, Wall Street Journal và Washington Post số ra ngày 26-6 cảnh báo các biện pháp trừng phạt có nguy cơ gây thiệt hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

Trong những diễn biến khác, Nga cùng 4 nước còn lại trong BRICS (là Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã thành lập một Quỹ Tiền tệ riêng để nhằm đối trọng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Một quỹ dự trữ ngoại hối có quy mô vốn 100 tỉ USD đã chính thức được thành lập, với Trung Quốc đóng góp 41 tỷ USD; Brazil, Ấn Độ và Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD và Nam Phi góp 5 tỷ USD. Quỹ này hướng tới việc ổn định thị trường tiền tệ trước những “cú sốc” khủng hoảng tài chính hoặc là do thay đổi chính sách của các ngân hàng Trung ương trên thế giới, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong vòng 2 năm, vốn của Ngân hàng BRICS dự kiến tăng gấp đôi, lên 100 tỷ USD, tạo cho họ khả năng cho vay 350 tỷ USD, khiến Ngân hàng BRICS trở thành nhà tài trợ cơ sở hạ tầng quan trọng hơn WB hiện nay.

Cũng chỉ vài giờ trước khi Mỹ ra lệnh trừng phạt, trong chuyến thăm Havana hồi tuần trước, ông Putin đã ký thỏa thuận với Cuba nhằm khởi động lại một căn cứ tình báo của Liên Xô tại Cuba nhằm theo dõi thông tin tình báo từ Mỹ. Tờ Kommersant dẫn nguồn tin trong Chính phủ Nga ngày   16-7 đưa tin cho biết, Nga đã tạm thời đồng ý mở lại trạm thu tín hiệu từ tàu ngầm, tàu chiến và thông tin liên lạc vệ tinh được thiết kế để do thám Mỹ tại Cuba. Theo đó, Nga và Cuba đã "đồng thuận về nguyên tắc" mở lại cơ sở Lourdes, bị đóng cửa từ năm 2001 sau khi Moscow quyết định xóa 90% nợ (gần 32 tỷ USD) cho Cuba.

Nga đã đóng cửa cơ sở tình báo Lourdes, nằm ở phía Nam Thủ đô Havana theo lệnh của Tổng thống Putin để tiết kiệm tài chính và cải thiện quan hệ với Mỹ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9. Được biết, Nga đã trả cho Cuba 200 triệu USD mỗi năm tiền thuê địa điểm triển khai cơ sở này. Nay mối quan hệ giữa Moscow và Washington đang xấu đi liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine,  Moscow dường như đang có ý định làm sống lại các chương trình gián điệp chống lại Mỹ. Theo một cựu lãnh đạo tình báo nước ngoài của Nga, Vyacheslav Trubnikov nói rằng việc mở cửa trở lại cơ sở này sẽ giúp tăng cường vị thế quốc tế của Nga.

Tuy vậy, Thông tấn RIA Novosti ngày   17-7 cho biết, về tin cho rằng Nga và Cuba đã đồng ý mở cửa trở lại trung tâm tình báo điện tử trên, Tổng thống Vladimir Putin cho biết: "Chúng ta có thể giải quyết những thách thức của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà không cần tới điều này!”.