Đối đầu Mỹ - Iran: "Thùng thuốc súng" trên eo biển Hormuz

ANTD.VN - Kể cả khi chưa có vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản gần eo biển Hormuz hôm 13-6, tình hình Vùng Vịnh đã căng thẳng như thùng thuốc súng sắp phát nổ. Diễn biến mới nhất khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại khu vực này.

Đối đầu Mỹ - Iran: "Thùng thuốc súng" trên eo biển Hormuz ảnh 1Một trong hai tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz bốc cháy sau khi bị tấn công hôm 13-6

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên đoàn các nước Arab, ông Antonio Guterres đã cực lực lên án vụ tấn công, đồng thời cảnh báo rằng thế giới không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại Vùng Vịnh. Nhiều nước khác cũng cho rằng việc leo thang tình hình là rất nguy hiểm, cần xoa dịu căng thẳng và tất cả các bên phải hỗ trợ điều đó.

Dư luận lo ngại bởi lâu nay, Vùng Vịnh luôn ẩn chứa những mâu thuẫn, mà trước hết là cuộc đối đầu dai dẳng giữa Mỹ và Iran. Kể từ khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Iran với với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015, quan hệ giữa Washington và Tehran đã đổ vỡ. Trong nội bộ các nước Vùng Vịnh là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Saudi Arabiađược Mỹ hậu thuẫn với Iran.

Trong khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran cũng như chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran, thì Iran để ngỏ khả năng có thể ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Iran đã lắp đặt 33 máy ly tâm tiên tiến IR-6 và lượng urani cũng như nước nặng mà Tehran sản xuất liên tục tăng lên, dù vẫn nằm trong giới hạn được quy định trong JCPOA.

Khi nguồn thu quan trọng là dầu mỏ bị chặn bởi lệnh cấm vận của Mỹ, Iran gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Tehran cũng có không ít con bài trong tay để phản đòn lại Mỹ, mà một trong những vũ khí quan trọng là eo biển Hormuz. Với chiều dài 63km, eo biển này là tuyến đường biển duy nhất nối vịnh Persic với vịnh Oman ra Ấn Độ Dương.

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Mỹ (AEI), năm 2016, 18,5 triệu thùng dầu đã được chuyển qua eo biển này mỗi ngày, chiếm gần 30% số dầu trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Loại “vàng đen” này chủ yếu được khai thác và chế xuất bởi các nhà sản xuất vùng Vịnh, được chuyển đến 80% các nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore).

Vì nằm một bên bờ eo biển Hormuz, nên Iran hoàn toàn có thể kiểm soát tuyến đường biển chiến lược này của thế giới. Khi quan hệ Mỹ-Iran căng thẳng, Tổng thống Iran từng cảnh báo: “Chúng tôi là người bảo đảm an ninh của eo biển, vì vậy chớ nên đùa với hổ nếu không các ngài sẽ hối tiếc”. Để thiết lập tình trạng phong tỏa eo biển Hormuz, Iran có thể sử dụng mìn thủy lôi, tàu ngầm và tàu khu trục, theo các chuyên gia.

Chính vì thế mà khi xảy ra vụ tấn công tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản gần eo biển Hormuz hôm 13-6, Mỹ ngay lập tức đã đổ lỗi cho Iran, dù Tehran kiên quyết bác bỏ. Trước đây, để gây sức ép với Iran, Mỹ đã điều động thêm quân cùng các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông với tuyên bố nhằm đối phó với “các mối đe dọa” từ Iran. Sau vụ 13-6, Washington cảnh báo “sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tự vệ và bảo vệ các lợi ích của chúng tôi”, đặc biệt là tự do hàng hải và tự do thương mại quốc tế.

Nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang giữa Mỹ và Iran đang treo lơ lửng trên Vùng Vịnh. Nếu chiến tranh nổ ra, tuyến đường biển qua eo biển Hormuz sẽ bị gián đoạn, giá dầu có thể bị đẩy lên mức cao đỉnh điểm, thậm chí lên tới 200USD/thùng, nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vụ tấn công các tàu chở dầu là mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế, nhưng xử lý không khéo vụ việc này có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc với khu vực Vùng Vịnh và thế giới.