Đội của Công Phượng đá giải sinh viên Đông Nam Á gây tranh cãi

ANTĐ - Phải tới 16-11, giải bóng đá Sinh viên toàn quốc 2014 mới kết thúc song người ta đã chọn xong đội hình dự Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á vào tháng 12 tới. Đáng nói những người được chọn không một ngày dự giải sinh viên toàn quốc và đều đến từ Hoàng Anh Gia Lai.

Danh sách 22 cầu thủ này gồm các học viên Học viện HAGL Arsenal như Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều, Văn Sơn, Xuân Trường, Văn Toàn... và các cầu thủ lớp năng khiếu HAGL. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao sinh viên Việt Nam, 100% cầu thủ đội tuyển đến từ một đơn vị. Sự ưu ái này xuất phát từ việc Tập đoàn HAGL đứng ra lo toàn bộ cho phí cho đội tuyển, bởi nếu không có tài trợ thì Bộ GD-ĐT sẽ không cử đội tuyển dự môn bóng đá nam vì kinh phí không cho phép.

Đa số đại diện các trường đang dự giải bóng đá Sinh viên toàn quốc đang diễn ra trên sân ĐH Bách Khoa đều tỏ ra bất ngờ trước thông tin đội tuyển dự giải Đông Nam Á đã được ấn định mà không có tên thành viên của trường mình.

"Trên danh nghĩa giải Đông Nam Á là sân chơi chung cho giới sinh viên cả nước nhưng toàn bộ đội tuyển lại chỉ đến từ một đơn vị. Tại sao những cầu thủ ưu tú nhất của giải lại không thể góp mặt trong khi những người vừa khoác áo sinh viên chưa được một tháng, không một ngày dự giải toàn quốc lại được đại diện cho giới sinh viên Việt Nam đi tranh tài tại giải đấu khu vực", đại diện một đội bóng sinh viên bày tỏ.

Đội của Công Phượng đá giải sinh viên Đông Nam Á gây tranh cãi ảnh 1
Giải sinh viên toàn quốc cứ đá, còn đội hình dự giải sinh viên Đông Nam Á đã được ấn định cho cầu thủ của HAGL

Việc kêu gọi được một doanh nghiệp tài trợ đội tuyển đi dự giải Đông Nam Á là tín hiệu tốt trong công tác xã hội hóa thể thao. Thế nhưng không vì thế mà trao suất dự giải cho đội bóng thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đó, bởi như vậy chẳng khác nào phủ nhận nỗ lực của các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã nhiều năm thành lập đội tuyển dự giải sinh viên toàn quốc, góp phần quan trọng vào việc phát triển bóng đá học đường.

Các nền bóng đá tiên tiến luôn coi trọng, lấy bóng đá học đường làm nền tảng và LĐBĐ Việt Nam cũng đang hướng đến điều này, với việc dự kiến tổ chức thêm một giải bóng đá toàn quốc dành cho học sinh THPT vào năm 2015, bên cạnh các sân chơi truyền thống dành cho học sinh tiểu học, THCS và sinh viên. 

Cử một đội bóng sinh viên ăn tập bóng đá chuyên nghiệp dự giải Đông Nam Á với mục tiêu giành HCV để tăng thành tích cho đoàn thể thao sinh viên Việt Nam nhưng ngược lại phải xóa đi cơ hội giao lưu, học hỏi cho các sinh viên khác và sâu xa hơn là gây hiệu ứng xấu tới phong trào bóng đá học đường.

Vì cái lợi thành tích trước mắt mà bất chấp cái lợi lâu dài, liệu có đáng?