Đôi cánh kỳ vọng quá nhiều, quá đầy trên đôi vai non yếu

ANTĐ -Vừa về đến cổng, anh đã nghe tiếng em quát mắng con. Vào nhà, nhìn cảnh con vừa cầm bút tập viết vừa khóc thút thít, anh thấy thương con vô cùng.

Anh nhớ ngày mình còn nhỏ, khi nhìn thấy bộ quần áo mới, cuốn sách học vần, bộ que tính... bố mẹ chuẩn bị cho con vào lớp 1, lòng háo hức biết bao. Vậy mà với con mình, niềm háo hức đó dường như không còn, thay vào đó là nỗi lo phải đi học mà em là tác nhân đầu tiên gây ra nỗi lo đó.

Từ đầu năm, em đã đôn đáo tìm trường cho con. Gần ngay nhà mình cũng có một ngôi trường công lập khang trang nhưng em lại ngắm cái trường xa nhà gần chục cây số, lại trái tuyến. Ngay từ đầu, anh đã phản đối. Chất lượng anh chưa bàn đến nhưng trường xa nhà ngày nắng, ngày mưa sẽ khổ cho con. Vợ chồng mình đã tranh cãi nhau không ít lần về việc này. Rồi em khăng khăng:

- Con người ta đi được sao con mình lại không. Việc học của con, anh cứ để em lo.

Không muốn vì chuyện học của con mà không khí gia đình căng thẳng nên anh đành thuận theo ý em. Để có được chân vào lớp điểm, em lại cậy cục nhờ vả các mối quan hệ và đương nhiên đi kèm theo đó là phong bì, phong bao. Tốn kém, mệt mỏi nhưng em không nề hà. Vì theo quan điểm của em trường điểm là trường tốt. Mà trường tốt thì đương nhiên con mình có được những điều kiện học tập tốt nhất.

Khi đã chắc chắn có một suất vào trường, em bắt đầu bước vào "chiến dịch thúc con học". Em đưa con đến lò luyện chữ đẹp để cô giáo rèn chữ cho con. Con mình thể trạng yếu hơn các bạn, non tay nên đi học được vài hôm về nhà bưng cơm ăn lại kêu con đau mỏi ở tay. Rồi mỗi lần mẹ gọi dậy đi luyện chữ lại phụng phịu đòi ở nhà. Em lại dỗ dành rồi hứa thưởng cái nọ, cái kia... Trẻ con mà, nghe thấy thưởng là thích nên lại cắp cặp đi học nhưng là vì cái phần thưởng mẹ hứa chứ không phải vì hao hức với những con chữ. Nghe mấy đồng nghiệp ở cơ quan có con cùng tuổi với con mình kháo nhau cho con học trường X sẽ giúp cho con tính toán nhanh, làm phép tính cộng trừ dài cả chục con số chỉ trong nháy mắt là em tức tốc đến tận nới đăng ký cho con học. Mấy buổi đầu con có vẻ hào hứng nhưng rồi dần dần con bắt đầu mệt mỏi. Có lẽ con căng thẳng vì bảng số và vì cái phiếu bài tập thầy cô ở trung tâm giao về nhà dài ơi là dài. Để đảm bảo thời gian và mục tiêu đề ra, em dựng con dậy trong khi nó đang lơ mờ ngái ngủ, giục con ngồi vào bàn trong khi con năn nỉ mẹ cho ra ngõ đạp xe một tý rồi về học mà cũng không được.

Cả tuần đi học, đến ngày nghỉ trẻ con hàng xóm nô đùa nhau ngoài ngõ, con mình vẫn cứ nhướn mắt qua cửa kính thèm thuồng rồi lại cắm đầu ngồi làm bài vì không xong số bài mẹ giao sẽ bị mẹ mắng, mẹ cấm không cho đi siêu thị, đi bơi... Học nhiều nên con sợ học, nhiều hôm trong giấc mơ nghe con ú ớ đánh vần thấy tội nghiệp cho con quá. Nhiều lần anh góp ý với em nhưng em gạt đi: Anh không biết thì thôi, giờ trẻ con sắp vào lớp 1 đứa nào chả phải học trước, con mình vào trường điểm phải học nhiều hơn thì mới giỏi được chứ!

Em! Em hãy nhìn con xem, em có thấy dạo này con gầy đi nhiều không, ăn uống cũng kém hơn. Con cũng không vui đùa hay nói cười nhiều như trước đây. Anh có cảm giác những con chữ, con số, nỗi lo lắng học hành đang đè nặng lên con khi mà lẽ ra ở tuổi này con phải được vui chơi. Mong muốn con mình lớn lên giỏi giang, thành đạt là chính đáng những xin em đừng bắt con gánh đôi cánh kỳ vọng quá nhiều và quá đầy của em trên đôi vai còn non yếu. Ngộ nhỡ đến một ngày nào đó con không trụ được, hậu quả như thế nào em đã lường trước hay chưa???