Đổi cả mạng sống để được... là chính mình

ANTĐ - Kinh tế, xã hội và công nghệ phát triển khiến cho những người phải sinh ra và lớn lên với hình hài không đúng giới tính của mình có cơ hội thay đổi hình hài họ mong muốn. Thế nhưng, đó mới chỉ là sự bắt đầu. Đối với họ, có vô vàn rào cản mà hằng ngày, hằng giờ họ phải đối mặt để được “sống là chính mình”. Họ phải đánh đổi, phải cố gắng gấp nhiều lần những người bình thường.

Hương Giang - thí sinh Vietnam Idol chuyển giới, gây xúc động dư luận

Đau đớn hành trình... “lột xác”

Mới đây, người chuyển giới đầu tiên ở Việt Nam được công nhận giới tính trên giấy tờ đã khiến nhiều người khâm phục bởi cô đã phải vượt qua vô vàn khó khăn để thay hình đổi dạng và càng khó khăn hơn để chứng minh giới tính trên pháp lý, đồng thời vượt qua rào cản dư luận.

Sinh ra trong gia đình nghèo với ngoại hình con trai nên gia đình mặc định cô là con trai và đặt tên Phạm Văn Hiệp. Khi bước vào tuổi dậy thì thì những thay đổi theo chiều hướng nữ tính ngày càng mạnh, ngực cô to lên. Không biết làm thế nào, không dám tâm sự với ai cô chỉ biết ăn và ăn để cho cơ thể béo lên để mọi người đỡ nhận ra sự thay đổi đó, cô tăng từ hơn 40kg lên 84kg. Và dù học rất giỏi nhưng với mặc cảm “nam không ra nam, nữ không ra nữ” khiến cô chỉ thui thủi đi học rồi lại về nhà đóng cửa một mình. Dù thi đỗ đại học và học song song 2 trường đại học nhưng cô vẫn luôn ấp ủ hy vọng được trở thành phụ nữ.

Năm 2006, cô đi xét nghiệm và kết quả lượng hormone cũng như đặc điểm bộ phận sinh dục của mình thiên về giới tính nữ cộng với những động viên của người “bạn trai” ở Mỹ mà cô quen qua mạng Internet, Hiệp đã quyết định chuyển giới. Cô  bỏ học và đi dạy thêm tại các trung tâm luyện thi để kiếm tiền sáng Thái Lan làm phẫu thuật. Cuối cùng sau nhiều tháng ngày vất vả tích cóp, cộng với sự giúp đỡ của bạn trai, cô đã mất 2 năm tại Thái Lan để tìm lại giới tính thật của mình. Những lo ngại về việc có thể bỏ mạng nơi đất khách quê người, những đau đớn như xé từng thớ thịt khi làm phẫu thật không làm Trâm (tên mới của Hiệp) nản lòng, cuối cùng cô đã thực sự trở thành phụ nữ…

Phải nói Trâm là một trong những trường hợp may mắn nhất trong số những người chuyển giới ở Việt Nam khi được công nhận giới tính mới trên luật pháp. Có rất nhiều, rất nhiều người chuyển giới có được hình hài họ mong muốn nhưng lại gặp những rào cản lớn từ xã hội. Trong một hội thảo về người chuyển giới được tổ chức mới đây, có thể thấy người chuyển giới hiện phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Hành trình lột xác để tìm lại hình hài đúng với giới tính của họ vốn đã quá gian nan, nhưng ngay cả sau khi đã thay hình đổi dạng, cuộc sống với họ cũng vô cùng khó khăn.

Như C.T vốn sinh ra mang hình hài con trai và luôn phải gồng mình để giống con trai. Nhưng cuối cùng, áp lực từ những lời xì xào của hàng xóm, gia đình luôn đè nặng, khiến ước mơ trở thành phụ nữ ngày càng mãnh liệt. C.T bỏ nhà đi hát thuê cho các đám ma để lấy tiền sinh sống và tiêm silicone. C.T bảo, nếu sang Thái Lan làm ngực thì chi phí khoảng 40-50 triệu đồng, làm ngực tại Việt Nam khoảng 30 triệu đồng nhưng với người hát thuê ở đám ma như em thì bao giờ mới có số tiền ấy. Thế là em phải tự mua silicone và kim tiêm nhờ các bạn cùng chuyển giới như em tiêm hộ. Ngoài ra em còn phải tiêm hormone nữ với giá 150 ngàn đồng/cặp. Dù biết việc tự tiêm như thế vô cùng nguy hiểm, mất sức khỏe, giảm tuổi thọ, thậm chí có thể chết bất cứ lúc nào, nhưng C.T cười buồn: Đã là con pê đê rồi thì có quan trọng gì. Được chết trong hình hài con gái em vẫn hạnh phúc. C.T cũng khát khao được sang Thái Lan phẫu thuật để được “trọn vẹn” làm phụ nữ, nhưng chi phí quá cao, lại phải nghỉ an dưỡng nên chắc chỉ là ước mơ. 

Gian nan để tồn tại

Với N.L, dù đã cố giấu kín với mọi người nhưng trong một lần tham gia một cuộc thi sắc đẹp cho người chuyển giới, chẳng may tấm hình của cô bị bạn bè phát hiện. Từ đó là chuỗi ngày bi kịch bởi các bạn bè ở lớp không ngừng dè bỉu, kỳ thị, giờ ra chơi nào sách vở, cặp sách của em cũng bị dội nước ướt sũng. Rồi em còn bị các bạn nam xông vào đánh hội đồng. Sau 3 tuần liên tiếp như vậy, em đã phải nghỉ học. Khi bố mẹ bị mời đến nhà trường và biết sự thật về con mình, họ đã vô cùng bẽ bàng và trút giận lên con với những trận đòn, những lời xúc phạm gọi em là đồ biến thái, không phải giống người. Hay như A.T, vốn sinh ra với hình hài con gái nhưng ngay từ nhỏ em đã biết mình là con trai. Dù khá thoải mái trong tư tưởng, nhưng A.T cũng gặp vô vàn phiền phức trong cuộc sống. Ngoài những lời xì xào, soi mói của mọi người thì A.T còn rất sợ mỗi khi phải làm những việc liên quan đến giấy tờ tùy thân. Mọi người đều soi mói vì sao giấy tờ ghi giới tính là nữ mà hình hài lại là nam. Có anh soát vé xe buýt khi nhìn thẻ thì nhất quyết bảo em đi vé giả. Đến cả một cô y tá cũng bảo em “Về mà chữa cái đầu đi”…

Không có chứng minh thư, cũng không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực tế ngay cả sau phẫu thuật... hầu hết người chuyển giới Việt Nam đang sống ngoài vòng phát luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Theo TS Phạm Quỳnh Phương, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), những hoàn cảnh trớ trêu như những bạn trẻ trên không phải là hiếm gặp. Bởi những người chuyển giới có một khát vọng tột độ được sống thật với giới tính mong muốn của mình, bất chấp cơ thể sinh học của họ hoàn toàn trái ngược với giới tính đó. Một nghiên cứu do iSEE thực hiện trong hai tháng 6 và 7-2012 trên 34 người chuyển giới cho thấy, tất cả họ đều khao khát, mong muốn được mọi người nhìn nhận họ đúng giới tính họ mong muốn. Trong đó, có 7 người chuyển giới từ nam sang nữ sử dụng các liệu pháp hormone, 5 người có phẫu thuật ngực, chỉ có một người phẫu thuật bộ phận sinh dục. 

Đến nay, chưa có một số liệu thống kê hay cuộc điều tra quy mô nào về người chuyển giới ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên các diễn đàn mạng dành cho những người thuộc thế giới thứ 3 như thegioithu3.vn, lesking.com.vn… đều có hàng chục, hàng trăm nghìn thành viên là người chuyển giới từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam. Đây hẳn là con số không hề nhỏ. Còn trên thế giới, tỷ lệ người chuyển giới vào khoảng 0,1-0,5% dân số. Đã đến lúc Nhà nước cần thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và đời sống thực tế.

Việc xác định lại giới tính được quy định tại điều 36 Luật Dân sự và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về Xác định lại giới tính chỉ cho phép người có khuyết tật bẩm sinh mới được phẫu thuật và xác định lại giới tính. Điều 5 Nghị định này quy định tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính là phải có “những bất thường về bộ phận sinh dục” và nhiễm sắc thể, thậm chí Điều 4, khoản 1 còn nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính. Như vậy những quy định này đã đóng lại cơ hội phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho người muốn chuyển giới. Pháp luật hiện nay mới chỉ quan tâm đến quyền chuyển giới của bộ phận người có những khiếm khuyết về thể chất, sinh học mà chưa đề cập đến những khiếm khuyết về mặt giới tính, vì thế rất cần được sửa đổi để đáp ứng nguyện vọng của những người chuyển giới.