Đọc sách "4 mùa": Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên

ANTD.VN -4 cuốn sách, tượng trưng cho 4 mùa: "Mùa chinh chiến ấy",  "Mùa xa nhà", "Mùa linh cảm" và "Rừng khộp mùa thay lá" là những câu chuyện về cuộc chiến khắc nghiệt hơn 40 năm về trước ở biên giới Tây Nam. Ở đó, những người lính tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu vì phẩm giá con người và ý nghĩa quốc tế cao cả.

Mùa chinh chiến ấy là những mảng hồi ức của nhà văn Đoàn Tuấn. Ông viết về mình và đồng đội trong cuộc chiến biên giới Tây Nam – một cuộc chiến tranh bắt buộc ngay sau ngày thống nhất nước nhà.

Chiến trường K giai đoạn cuối năm 1978 đến giữa những năm 1980 là nơi bộ đội Việt Nam phải đối mặt với một kẻ địch nguy hiểm, liều lĩnh và môi trường xa lạ, khắc nghiệt hơn cả hai cuộc kháng chiến trước đó. Trong bối cảnh âm thầm mà khốc liệt của 40 năm về trước ấy, truyện đưa người đọc theo dấu chân tuổi 18 của nhân vật “tôi” – người lính sư đoàn 307, đi tới tận những miền rừng núi heo hút xứ người. Đó là cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số: từ Pleiku, theo đường 19 tiến về hướng Tây, để đẩy lùi và tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ ở vùng Đông - Bắc Campuchia.

Tác phẩm "Mùa chinh chiến ấy" từng đạt Giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí Bộ Quốc phòng.

Mùa linh cảm cũng của tác giả Đoàn Tuấn lại là những câu chuyện trần trụi, bi thảm của cuộc chiến, bản lĩnh của những chiến binh trong một cuộc chiến đẫm máu ở “đất bên ngoài Tổ quốc” mang ý nghĩa: chiến đấu vì phẩm giá con người, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

"Mùa linh cảm" nhắc nhớ điều ấy và đúng như Olga Fyodorovna Berggolts đã nói về những ai dám chết cho người khác được sống: "Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên". Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm vẫn còn.

"Mùa xa nhà" của tác giả Nguyễn Thành Nhân kể lại giai đoạn làm lính tình nguyện của Huy, chàng trai thành phố đi nghĩa vụ quân sự, có mặt và sống chiến đấu ở một đơn vị hỏa lực bộ binh trong những năm giữa thập niên 80 thế kỷ 20 ở vùng rừng phía Tây Bắc Campuchia xa xôi.

Từ một chàng trai thư sinh, Huy đã dần quen với cuộc sống. Ở đó Huy không chỉ làm quen với nhiều chàng trai thành phố khác nhập ngũ trước mình, mà còn bè bạn và chịu sự chỉ huy của những chàng trai từ khắp miền Tổ quốc làm nhiệm vụ lính tình nguyện ở Campuchia. Những vui buồn, hờn giận, những mất mát đau thương, cả những trận chiến đấu nẩy lửa… cứ từng bước tôi luyện chàng lính trẻ trở thành một cán bộ trung đội rắn rõi và đầy bản lĩnh. Anh yên lành trở về thành phố, kết thúc mùa xa nhà của đời lính trong sự thay đổi đến ngỡ ngàng.

"Rừng khộp mùa thay lá" được Nguyễn Vũ Điền kể lại với giọng văn bình dị, mộc mạc, nó hệt như lời thủ thỉ của một đồng đội lúc đêm khuya. Hình ảnh những người lính hiện lên trong từng trang viết chân thật, đầy chất lính và chất con người. Người lính, qua ngòi bút của tác giả Nguyễn Vũ Điền, là những thanh niên trong sáng, có đôi phần ngây thơ khi mới chập chững bước vào quân ngũ. Nhưng qua những trận đánh, những mất mát, vốn quá nhiều trong đời người lính chiến, tác giả và các đồng đội đã trở thành những chiến binh thực thụ.

Tác phẩm "Rừng khộp mùa thay lá" đạt Giải D Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí Bộ Quốc phòng

Sách do NXB Trẻ ấn hành.