Độc quyền, không được quyền chọn

ANTĐ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng đưa ra các phương án giá điện. Song, đây là lần đầu tiên, 3 phương án của EVN trong Đề án cải cách cơ cấu giá điện được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế và người dân trong 3 cuộc hội thảo sẽ tổ chức ở 3 vùng, miền trong thời gian tới. Các ngành sản xuất “ngốn” điện nhiều nhất, đặc biệt là người dân trông chờ gì vào cuộc cải cách cơ cấu giá điện lần này?

Sau khi “soi” kỹ 3 phương án, dưới con mắt của một số chuyên gia, khả năng phương án 3 sẽ được đóng góp ý kiến nhiều nhất và có điều kiện để thực hiện hơn do phương án 1 là biểu giá hiện hành. Phương án 2 lấy một mức giá chung chung cũng không hợp lý vì không khuyến khích tiết kiệm điện.

Chỉ còn phương án 3, nếu được tiếp thu, chỉnh sửa hợp lý sẽ có tính khả thi cao. Phương án 3 được EVN rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc, mức giá bình quân là 1.747 đồng/kWh, trong đó có tới 5 kịch bản. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành điện đã chỉ ra, theo cách hạ bậc thang giá điện trong 5 kịch bản của phương án 3 nhiều khả năng tiền điện lại tăng chứ không giảm. Do vậy, ngành điện cần lắng nghe ý kiến của người dân cũng như những người có chuyên môn để đưa ra được cách tính giá điện hợp lý, tránh để người tiêu dùng thấy nghi ngờ, thiếu thuyết phục vì thị trường điện hiện nay đang bị độc quyền.

Trong đề án về thị trường điện cạnh tranh đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2006, thị trường này được chia thành 3 giai đoạn: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Hết năm 2014, nhìn bề ngoài mục tiêu giai đoạn 1 đã hoàn thành, nhưng thực tế mới chỉ có chưa đến một nửa thị trường phát điện là trông có vẻ cạnh tranh. Nếu xem xét kỹ thì mức độ cạnh tranh còn thấp hơn nữa. Trong tổng công suất phát điện của Việt Nam, tổng thị phần của “anh em ruột” trong gia đình EVN chiếm tới 61% thị phần. Đây được coi là trạng thái mất cạnh tranh trầm trọng khi hệ số độc quyền thị trường đến 40%. Chưa hết, thị trường buôn bán điện hiện nay nằm trong 5 tổng công ty điện lực cũng thuộc “ông lớn” EVN, đang nắm giữ tới 97% thị phần.

Nhìn vào thị trường điện có đến hàng trăm nhà máy phát điện, hàng chục doanh nghiệp đầu tư. Tuy vậy trên thực tế, đứng đằng sau hầu hết các doanh nghiệp đó vẫn chung một chủ sở hữu, chung một người ra quyết định và chung một gia đình EVN. Vấn đề cạnh tranh trên thị trường năng lượng “sống còn” này, suy tới cùng chỉ là... anh em trong nhà. Một số chuyên gia thốt lên rằng, còn cảnh “một mình một chợ”, độc quyền thì không thể bàn bạc và doanh nghiệp tiêu thụ điện năng lớn cũng như người tiêu dùng không có quyền lựa chọn phương án nào.