Độc giả thiếu thời gian, sách tranh giành chỗ đứng

ANTD.VN - Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của văn hóa đọc, độc giả Việt ngày một khó tính hơn. Đối với họ, một cuốn sách hấp dẫn phải hội tụ đầy đủ 2 yếu tố: nội dung hay - hình thức độc đáo, mới lạ. 

Bên cạnh câu chữ, tranh vẽ cũng là một dạng "ngôn ngữ" kể chuyện. Họa sĩ có thể dùng tranh để sáng tác thành một câu chuyện, hoặc dùng các bút pháp minh họa đặc trưng khác nhau để thể hiện một câu chuyện nào đó qua góc nhìn của họ. Phong cách thể hiện bằng tranh có thể gợi lên sự đồng tình, hoài niệm, niềm vui, nỗi buồn... hay thậm chí khó chịu từ độc giả. Sự tác động nhẹ nhàng hay dữ dội tùy thuộc vào ý muốn của bản thân người nghệ sĩ. 

Độc giả thiếu thời gian, sách tranh giành chỗ đứng  ảnh 1Một bức tranh trong cuốn “Hành trình đầu tiên”

Sách tranh tìm đất

Nói về “cơn sốt” sách tranh tại Việt Nam, sẽ là thiếu sót nếu quên nhắc đến họa sĩ đi đầu trong lĩnh vực này như Tạ Huy Long từng khiến bạn đọc bất ngờ với “Cửa sổ” đầy huyền hoặc, với ngôi nhà cổ trong ngõ tối sâu là bối cảnh tuổi thơ của nhiều người Hà Nội; Khoa Lê được độc giả nhỏ yêu mến với cuốn sách tranh khổ lớn “Những nàng công chúa bí ẩn”. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hai họa sĩ trẻ Hoàng Giang và Nguyễn Thanh Vũ cùng nhau tạo dấu ấn với nét vẽ trong trẻo, tươi vui qua “Ra vườn nhặt nắng” và trước đó đã hướng ra thị trường sách tranh quốc tế với cuốn “Alice in the Wonderland”... 

Đáng chú ý, tháng 8 vừa qua, cuốn sách tranh mang tên “Hành trình đầu tiên” của hai họa sĩ trẻ Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đã đến tay độc giả Việt sau bao ngày tháng mong chờ. Đây là cuốn sách vượt qua được hàng trăm bài thi gửi về từ khắp châu Á để được tôn vinh ở ngôi vị cao nhất tại cuộc thi Scholastic   

Picture Book Award ở Singapore năm 2015. Tác phẩm này từng có buổi ra mắt chính thức ở Thư viện Quốc gia Singapore dưới tên “The First Journey” (Hành trình đầu tiên, tháng 5-2017).

Họa sĩ Huỳnh Kim Liên kể: “Khi tôi mang sách của mình dự thi ở nước ngoài mới thấy thị trường sách tranh ở Việt Nam chưa lớn như thị trường sách tranh Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung. Hầu hết các họa sĩ và các nhà xuất bản quốc tế đều khen ngợi kỹ thuật vẽ của họa sĩ Việt Nam nhưng lại tiếc bởi đến nay, họa sĩ Việt Nam chưa ra được nhiều cuốn sách tranh hay”. Lý giải điều này, Kim Liên nhận thấy khó khăn lớn nhất là họa sĩ Việt Nam chưa có chương trình giảng dạy chuyên nghiệp, đầy đủ nên phải chọn lọc, tìm tư liệu nước ngoài để tham khảo, cập nhật xu thế thế giới. Cô mong muốn khi công nghệ in ấn ngày càng phát triển, sách tranh sẽ được các nhà xuất bản ủng hộ nhiều hơn, để họa sĩ Việt tìm được “đất” cho sách tranh tại Việt Nam. 

Độc giả thiếu thời gian, sách tranh giành chỗ đứng  ảnh 2Họa sĩ Khoa Lê khiến độc giả nhỏ ấn tượng với “Những nàng công chúa bí ẩn” 

“Món ăn” đầy tính thẩm mỹ

Năm 2015, Lê Mai Anh - nữ họa sĩ 9x tài năng mà độc giả hay trìu mến gọi với cái tên “Tuyệt Đỉnh Sinh Vật” đã tạo nên ấn tượng khi thành công dự án gọi vốn cộng đồng để xuất bản “Tuyệt Đỉnh Sinh Vật Artbook”. Không khó để độc giả đón nhận một tác giả không kể chuyện bằng ngôn ngữ, mà kể lại tuổi thanh xuân, sự trẻ trung, những yêu thương, hờn giận, những lãng mạn, mê đắm, tươi xanh hay u ám quanh bằng sắc màu, bằng đường nét, bằng những bức tranh lay động.

Đó là một “món ăn” tinh thần và có giá trị thẩm mỹ. Ploy Ngọc Bích - tác giả cuốn “Phía sau một cô gái” khi cầm “Tuyệt Đỉnh Sinh Vật Artbook” nhận xét: “Những bức tranh của Lê Mai Anh luôn mơ mộng, gieo cho tôi cảm giác ấm áp nhưng loáng thoáng đâu đó là những chấm phá lành lạnh như cơn gió heo may. Mỗi bức tranh kể một câu chuyện với kết thúc mở, mỗi lần ngắm là một lần tôi ngộ ra một điều mới, bay bổng trong một luồng tưởng tượng mới...”.

Cuộc sống bộn bề hối hả, nhiều độc giả chọn sách tranh như một loại hình thư giãn, bởi nội dung thường không quá nặng nề, lại không tốn nhiều thời gian. Độc giả Đặng Phương Anh (SN 1992) hiện đang sống tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã xem nhiều phiên bản “Lĩnh Nam chích quái” - tác giả Trần Thế Pháp, song làm tôi ấn tượng nhất là phiên bản được họa sĩ Tạ Huy Long minh họa với hơn 200 bức vẽ đẹp. Đó là một tác phẩm mà tính thẩm mỹ và tính dân tộc được thể hiện cao. Những nét vẽ độc đáo không chỉ làm những câu chuyện kỳ bí nước Nam thêm sinh động, tươi mới mà còn thể hiện thế giới quan của một họa sĩ giàu kinh nghiệm”. Phương Anh còn hé lộ: “Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho tôi sáng tác những tác phẩm đồ họa của mình”.

Một điều thú vị, sách tranh xóa đi rào cản ngôn ngữ giữa các quốc gia. Nhiều họa sĩ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)... khi lật giở từng trang “Hành trình đầu tiên” đã phần nào hiểu về văn hóa, con người Việt. "Hành trình đầu tiên" được sáng tác dựa trên cảm hứng từ tập truyện "Hương rừng Cà Mau" của nhà văn Sơn Nam. Hai họa sĩ trẻ Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang thuật lại chuyến phiêu lưu của cậu bé An trên chiếc xuồng ba lá, băng qua cánh đồng mùa nước nổi, vượt qua kênh rạch trong mưa gió với tất cả những hiểm nguy đặc trưng của vùng sông nước để đến trường, hòa niềm vui cùng bè bạn ngày đầu năm học mới.

Các họa sĩ quốc tế từng đặt câu hỏi: “Đáng lẽ trẻ con phải sợ đi học chứ?”. Hai họa sĩ Việt bùi ngùi giải thích: “Ở những vùng nghèo Việt Nam, đi học là một điều quan trọng, đi học có thể là cả ước mơ”. Có thể hiểu được hiệu ứng thị giác mà những cuốn sách tranh mang lại, sự đẹp đẽ, cầu kỳ khi các họa sĩ dồn nhiều thời gian và công sức để trau chuốt, sự ẩn chứa những thông điệp của thực tế cuộc sống xen lẫn những khát vọng.