Độc đáo những bản đồ bằng gốm ở Trường Sa

ANTĐ - Tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm có kích thước lớn (2,3 x 1,9m, gồm 88m miếng gốm ghép lại, vừa được gắn thành công tại Nhà khách Thủ đô, đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Dự kiến, tất cả các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa sẽ đều có tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm như thế.  

Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy và các chiến sỹ bên tấm bản đồ nước CHXHCN Việt Nam 
bằng gốm đầu tiên được gắn tại Nhà khách Thủ đô (đảo Trường Sa Lớn)

Từ mẫu Bản đồ Biển đảo Việt Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân, tại xưởng gốm Bát Tràng, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã cùng hoạ sỹ Phan Thanh Sơn và nhóm sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp chuyển thể sang tấm đất sét lớn, chia cắt thành các tấm nhỏ theo đường lượn của biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đường bờ biển, các đảo và quần đảo.  Hoạ sỹ Thu Thuỷ cho biết: “Chúng tôi phải khéo léo làm sao vừa tuân thủ được độ chính xác, tính khoa học của bản đồ, vừa thể hiện được vẻ đẹp mỹ quan của những tấm gốm ghép lại, thể hiện men màu đúng với độ nông sâu của mực nước biển. Sau đó, dùng kỹ thuật in trên gốm nặng lửa, in từng địa danh, từng tên đảo, bán đảo, quần đảo, bãi cạn, bãi ngầm dọc suốt chiều dài 3.260km đường bờ biển Việt Nam. Khi ghép 88 miếng gốm lại, bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng các hòn đảo khác dọc chiều dài lãnh thổ Việt Nam hiện ra rõ nét, chính xác đến từng chi tiết nhỏ”.

Khi tấm bản đồ đầu tiên được phê duyệt, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy  và các nghệ nhân Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã ra Trường Sa để ghép tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm đầu tiên tại Nhà khách Thủ đô (đảo Trường Sa Lớn) trước sự chứng kiến của Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Đảo trưởng Phạm Văn Hòa và đông đảo thành viên của đoàn công tác Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đơn vị tài trợ công trình.

Ngoài ra, nữ họa sỹ cũng đến  các điểm đảo, khảo sát vị trí phù hợp để gắn các bản đồ còn lại tại 21 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.