Độc đáo mô hình đình làng bằng gỗ siêu nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Kiến thiết, dựng nhà cổ hay đình cổ dường như không còn xa lạ, nhưng phục dựng lại cả một kiến trúc đình cổ giống đến từng milimet thành một mô hình siêu nhỏ thì không phải người thợ mộc nào cũng có thể làm được. Với lòng yêu nghề, cùng kinh nghiệm cả đời trong nghề mộc, nghệ nhân Phan Lạc Hùng đã chế tác nên một mô hình Đình Hữu Bằng một cách tinh tế, đáng nể phục.

Tiếng lành đồn xa

Nghệ nhân Phan Lạc Hùng, năm nay 67 tuổi. Nhà ông ở trong con ngõ nhỏ thôn Sen, xóm Chùa, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Quê hương ông có nghề gỗ truyền thống. Cả làng đều làm nghề mộc. Gia đình ông cũng có tiếng trong làng, nhiều đời gắn bó với “cái chày, cái đục”. Bởi thế, ngay từ thuở nhỏ, ông đã quen mùi gỗ, có “gen” đam mê nghề mộc.

Quá trình thành nghề của nghệ nhân Phan Lạc Hùng là quá trình tự học, tự đào tạo, rất nhiều khó khăn nhưng rất đỗi tự hào. Dù không qua trường lớp đào tạo nhưng những bài học mà các cụ truyền dạy lại đã giúp cho ông Hùng luôn sáng tạo và thành công trong từng sản phẩm của mình.

Nhà ông Hùng ở ngay gần đình, nên cả cuộc đời ông gắn bó với ngôi đình cổ kính này. Ngay từ hồi còn nhỏ, ông đã giữ trong tâm một tình yêu đặc biệt đối với đình làng. Tình cảm đó ông Hùng đã chuyển tải bằng mô hình đình Hữu Bằng bằng gỗ có thể nói nhỏ nhất Việt Nam. Sau khi hoàn thành xong tác phẩm, người dân xã Hữu Bằng nô nức đến nhà ông xem tác phẩm đặc biệt này. “Tiếng lành đồn xa”, không chỉ người dân quanh vùng, mà nhiều người dân và người yêu nghệ thuật khắp nơi đã tìm đến nhà ông Phan Lạc Hùng, để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc, chứa đựng hồn quê của mô hình đình Hữu Bằng bằng gỗ siêu nhỏ của ông Hùng. Cũng vì thế, nhà ông lúc nào cũng đông vui, tấp nập người đến.

Tác phẩm vô giá

Theo lời chỉ dẫn của người dân, tôi tìm về tận nhà nghệ nhân Phan Lạc Hùng. Trước mắt tôi là một ngôi nhà khang trang. Nâng niu tác phẩm của mình, ông Hùng cất giữ mô hình đình Hữu Bằng siêu nhỏ trên căn phòng thờ tự của gia đình. “Ai đến ngắm cũng được. Tôi không thu phí gì cả. Ngắm để hoài niệm, nhắc nhở chúng ta về một thời gian lao của dân tộc, của quê hương, về mái đình đẹp của làng tôi”, ông Hùng kể.

Ông Phan Lạc Hùng bên tác phẩm của mình

Ông Phan Lạc Hùng bên tác phẩm của mình

Trong câu chuyện kể với phóng viên, ông Hùng rất chăm chú, kể tỉ mỉ cả cuộc đời và quá trình sáng tạo của mình. Ông kể, cách đây 5 năm, ông Hùng trăn trở suy nghĩ làm sao lưu giữ lại cho bản thân và con cháu mai sau hình ảnh của ngôi đình. Rồi ông quyết định bắt tay vào làm những mô hình bằng chất liệu gỗ gụ để tái hiện lại ngôi đình làng. “Ngày nào tôi cũng đi ra đình, ngắm đình cả cuộc đời rồi tôi vẫn thấy ngôi đình làng tôi quá đẹp. Và tôi muốn làm một kỷ vật cho cuộc đời tôi, để lại cho con cháu”, ông Hùng tâm sự.

Đam mê thấm vào máu thịt nên công việc “làm cho vui” này đã lấy hết thời gian của ông trong suốt 4 năm qua. Vừa vất vả, vừa tốn kém nhưng ông vẫn vui vẻ hết mình với nó. Ông chưa bao giờ nghĩ đến việc tạo sinh lợi từ các sản phẩm của mình. Nhiều người đến tham quan có ý hỏi mua lại tác phẩm, có người trả giá hàng tỷ đồng, nhưng ông Hùng từ chối. Ông bảo đây là tác phẩm để đời của ông, nó mang ý nghĩa thiêng liêng đối với ông và gia đình mà không giá tiền nào có thể mua được.

Nắn nót cho từng chi tiết nhỏ

Để chuẩn bị cho “dự án” của mình, ông Hùng phải mày mò mất 4 năm để sưu tập gỗ, các dụng cụ tự chế, nghiên cứu cách thức làm. Hàng ngày, ông chụp từng bức ảnh các chi tiết của ngôi đình rồi về thu nhỏ tỷ lệ 1/1000. “Các cụ ngày xưa làm như thế nào thì tôi cũng làm hệt như vậy. Chỉ khác chất liệu các cụ ngày xưa đính các chi tiết bằng sắt, bằng vôi thì tôi thay bằng nhôm, bằng keo. Ví dụ hình long phụng trên mái thì tôi phải dùng lõi nhôm và nặn thủ công từ mùn cưa gỗ thịt”, ông Hùng chia sẻ.

Từng viên ngói siêu nhỏ cũng được ông Hùng làm rất tỉ mỉ làm từ gỗ ép sơn màu gụ, dập cắt nhỏ thành hình dạng y hệt viên ngói của mái đình và được đính keo vào nhau. Hay bộ cửa sơn son thiếp vàng cũng giống y hệt về kiểu dáng và chất liệu, thậm chí có thể mở ra vào như bản thật. Ông Phan Lạc Hùng chia sẻ, mỗi chi tiết phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ từng chi tiết từ giải phẫu vật thể, tìm vật liệu thích hợp, gia công các chi tiết, sau đó lắp ráp, phối màu, phối cảnh…

Mô hình Đình Hữu Bằng siêu nhỏ của nghệ nhân Phan Lạc Hùng

Mô hình Đình Hữu Bằng siêu nhỏ của nghệ nhân Phan Lạc Hùng

Người thợ mộc già này cũng cho biết, khi thực hiện công đoạn lắp ráp, định hình sản phẩm thì cần nơi làm việc yên tĩnh để tránh phân tâm, phòng phải kín gió. Ông Hùng tâm sự: “Nhiều lúc nóng bức, áo ướt sũng mồ hôi, nhưng tôi cũng không dám bật quạt để tránh làm bay các tác phẩm. Khi bị mất một chi tiết nào đó là coi như phải ngồi làm lại. Vì thế tôi chọn phòng thờ là nơi chế tác, vừa yên tĩnh để tập trung, vừa ít người qua lại".

Việc chế tác những mô hình siêu nhỏ này đòi hỏi ở người thợ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khả năng ước lượng về tỉ lệ rất cao. Với đôi “bàn tay vàng” già nghề nên khi chế tác không cần nhờ đến sự hỗ trợ của kính lúp. Theo ông Hùng, nhìn bằng mắt thường là rõ nhất, vì sẽ không bị vướng những giới hạn của dụng cụ hỗ trợ, chẳng hạn như điểm mù. Như vậy mọi chi tiết của mô hình mới chuẩn như nguyên bản, không bị sai lệch. Chính sự cần mẫn, tính thủ công cao, không bị phụ thuộc vào máy móc kỹ thuật đã tạo nên sự khác biệt.

Tác phẩm của nghệ nhân Phan Lạc Hùng khiến người xem vô cùng thán phục

Tác phẩm của nghệ nhân Phan Lạc Hùng khiến người xem vô cùng thán phục

"Trong quá trình lắp ráp, việc dùng keo dán những chi tiết nhỏ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay để keo không bị lan ra ngoài. Mô hình ở sâu bên trong thì phải dùng nhíp mới thực hiện được", ông Hùng cho biết.

Tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện. Mỗi một chi tiết nhỏ cũng là một sự sáng tạo của ông Phan Lạc Hùng mà không phải thợ mộc nào hay máy móc nào cũng có thể làm được. Đến từng cây tùng, cây hoa đại cũng được người thợ mộc già này trồng cây thật siêu nhỏ để vào. Tác phẩm hoàn thiện giống đến 99% so với bản gốc, đẹp không phụ lòng bao đêm thao thức nghiên cứu để hoàn thiện của ông Hùng.

Thán phục trước mô hình của ông, tôi gọi ông là nghệ nhân, ông Hùng từ tốn trả lời: “Tôi không phải là nghệ nhân. Tôi chỉ là một người thợ mộc già đem lòng si mê ngôi đình của làng tôi. Tôi mong muốn để lại mô hình này cho con cháu, sau này, vừa để nhắc nhở con cháu về truyền thống quê hương, về mái đình, ao sen, vừa là mong muốn lưu giữ vẻ đẹp của ngôi đình cho mãi muôn đời sau”…