Độc đáo lễ hội tưởng nhớ "cậu bé lớn nhanh như thổi"

ANTĐ - Cứ đến ngày mồng 9 tháng 4 Âm lịch, con dân xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) dù làm ăn ở bất cứ nơi đâu, cũng tìm về quê hương dự lễ hội tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương (thường gọi Thánh Gióng).

Hội Gióng ở đền Phù Đổng gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ. Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 mà vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan giặc Ân, ngài về núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời. 

Video: Hội Gióng làng Phù Đồng năm 2016

Từ đó, ngài Gióng được thiêng hóa thành một vị Thánh bất tử bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, người dân lập đền, thờ phụng và mở hội hằng năm nhằm ngày mồng 9 tháng 4 Âm lịch. Phong giao Kinh Bắc xưa có câu: "Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu cũng kéo về xem hội Gióng".

Hội Gióng ở Phù Đổng nổi bật với màn tái hiện sự tích "Thánh Gióng hai lần đánh giặc Ân". Bên cạnh đó, ban tổ chức còn mời đoàn hát quan họ Bắc Ninh về biểu diễn tại hồ trước sân đền Thượng, tổ chức giải vật quy tụ nhiều tuyển thủ Quốc gia, cùng nhiều hoạt động văn hóa khác.

Hình ảnh Hội Gióng xã Phù Đổng năm 2016:

Các ông Hiệu được chuẩn bị trang phục kỹ lưỡng trước khi rời đền tới Soi Bia. Do năm nay không phải hội chính nên màn tái hiện bị cắt giảm, theo đó không có hai ông Hiệu Tiểu cổ và cũng không có phần khao quân sau buổi đánh trận

Trước sân đền Thượng, ông Hiệu Trống đánh 3 hồi trống...

...kế đó, ông Hiệu Chiêng đánh 3 hồi chiêng

Sau đó lần lượt ông Hiệu Trung quân (giữa ảnh) và ông Hiệu Cờ xuất hiện. Các ông Hiệu cùng nhau tiến ra Soi Bia chuẩn bị tái hiện màn "Thánh Gióng 2 lần đánh giặc Ân"

Phù Giá và quân lính đi bao quanh, bảo vệ các ông Hiệu

Trên đường đi, quân lính hô vang thể hiện hào khí của đoàn quân

Rất đông người dân địa phương và du khách theo chân đoàn quân của ông Gióng

Sau màn biểu diễn của ông Hổ...

...là phần tái hiện trận đánh của Thánh Gióng, do ông Hiệu Cờ đảm nhiệm. Trong màn múa cờ lệnh, điệu múa cờ của ông Hiệu phải thật chính xác, khéo léo để tránh điều tối kỵ là lá cờ bị cuốn vào cán, bởi theo niềm tin của cư dân nơi đây thì đó là điềm rủi.

Ông Hiệu Cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu mà họ tin tưởng là sẽ đem đến cho gia đình họ điều may mắn trong suốt cả năm. Tuy nhiên sau nhiều mùa lễ hội xảy ra tình trạng hỗn loạn khi cướp chiếu nên năm nay, ban tổ chức lễ hội đã cắt nhỏ chiếc chiếu, phân phát tại nhiều điểm để giảm tải việc đám đông cùng chen lấn, tranh cướp.

Người dân lao vào giành giật các mảnh chiều của ông Hiệu Cờ

Những đứa trẻ thì lượm lặt các sợi cói rơi từ mảnh chiếu để lấy "lộc"

Sau khoảng 2 tiếng, màn tái hiện "Thánh Gióng 2 lần đánh giặc Ân kết thúc", cũng là lúc khép lại Hội Gióng, người dân về nhà và trở lại công việc bình thường. Những người lấy được "lộc" thì tin rằng cả năm mình và gia đình sẽ gặp may mắn

*Hàng năm các Giáp ở Phù Đổng phải cử ra một Giáp làm chủ trì hội và được gọi là giáp kéo hội. Giáp này cử ra 6 người giữ các vai quan trọng trong cuộc diễn trận. Đó là các ông Hiệu: Hiệu Cờ trông nom cờ lệnh, Hiệu Chiêng điều khiển chiêng, Hiệu Trống điều khiển trống, Hiệu Trung quân để phối hợp điều hòa sự tiến quân và 2 ông Hiệu Tiểu cờ để đi tiên phong thám thính quân giặc. 

Ngày mùng 9 tháng 4 Âm lịch, cờ lệnh, ông Hiệu Cờ và các ông Hiệu khác đã được long trọng rước ra đền Gióng. Người Hiệu cờ dẫn đầu đoàn quân đi trong tiếng nhạc, điệu múa của phường Ải Lao diễn trò săn hổ, bắt hổ. Trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp thì bỗng có tin giặc Ân sang xâm lược nước ta. Ngay lập tức đoàn quân rầm rập lên đường đi đánh giặc, trông thật hùng tráng và uy nghiêm.

Tại Soi Bia (là cánh đồng rộng, tương truyền là nơi Thánh Gióng đánh giặc), ông Hiệu Cờ (vai diễn tượng trưng ông Gióng) trang nghiêm tay nâng cao cờ lệnh bước lên chiếc chiếu, trên chiếu đặt sẵn chiếc bát úp trên tờ giấy (trong đó chiếu tượng trưng cho cánh đồng, bát cho đồi núi, tờ giấy tượng trưng cho mây). Sau nghi lễ tế Thánh, ông Hiệu Cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp). Tiếng hò reo lúc lúc lại dội lên trong tiếng chiêng, tiếng trống, thể hiện sự quyết liệt của trận đánh.

Theo phong tục địa phương, kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu Cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu mà họ tin tưởng là sẽ đem đến cho gia đình họ điều may mắn trong suốt cả năm.