Kỳ thú nẻo đường xuân Tây Bắc (8):

Độc đáo lễ cúng trời trên 9 tầng mây khi Tết đến

ANTĐ - Theo quan niệm người Thái Trắng ở Phong Thổ, Lai Châu du xuân trên 9 tầng mây là việc phải làm vào ngày Tết.

Mời ông giời về ăn Tết

 “Dân bản phải vượt qua 9 tầng mây vào mỗi độ xuân về để mời Then về bản vui Tết. Đường lên trời khó đi hơn đường ngựa thồ trên vách núi Pu Nhọ Khọ, ở Mường So, bà con công kênh nhau lên làm bậc thang cao đến tận trời để mời Then về vui xuân với bản”- Ông Nông Văn Nhay, một nghệ nhân già, người đã 60 năm qua mang tiếng tính tẩu đi mời Then mỗi dịp xuân về, cho biết. 

Đệm tính tẩu rước Then về bản vui xuân

Ông Nông Văn Nhay năm nay đã 78 tuổi, ở Mường So. Ông được dân bản kính trọng không phải từ tiếng tăm giỏi đệm tính tẩu trong những đêm xòe, mà còn là người thạo việc tổ chức cho dân bản mỗi dịp xuân sang, Tết đến mời Then về vui xuân. “Tục mời Then về ăn Tết có từ khi người Thái ở Mường So biết mặc áo váy cóm. Người Thái quan niệm, trời đất ban phát cho con người mùa xuân để tiếp sinh khí cho những ngày lao động vất vả. Và cũng giống như ông Táo ở miền xuôi, đồng bào Thái ở Mường So mời Then - Trời - về vui xuân với dân bản thì thóc mới đầy bồ, ngô đầy nương. Đó cũng là cách báo hiệu một năm no đủ, và chuẩn bị cho một mùa xuân mới với những nương đồi tốt tươi…”- ông Nhay bộc bạch.

Tiếng tính tẩu hòa vào dòng Nậm So chảy qua xã Mường So, Phong Thổ, cất lên những điệu mời Then về bản. Vào mùa xuân, dòng Nậm So nước trong vẳt, như chắt lọc từ những gốc rễ thiên nhiên trên rừng mang đến cho dân bản. Dân bản ca hát bên suối, nước suối hát lời mời Then vọng từ thung lũng của bản vọng về trời. Trong ngày mời Then, tất cả dân bản có mặt, ăn mặc xúng xính trong áo váy cóm để đón Then. Song điều đặc biệt trong lễ hội của đồng bào ở Tây Bắc nói chung và đồng bào Thái nói riêng, lễ hội dù to, dù nhỏ cũng không bao giờ dùng vàng mã cúng đốt như người miền xuôi.

Đồng bào Thái tượng trưng cây nêu là nơi Then về du xuân

Đối với đồng bào Thái Trắng ở Mường So, ngày này là ngày quan trọng bậc nhất trong năm. Họ quan niệm, tất cả là phải làm cho con người và đất trời giao hòa, vì vậy những nhành hoa là lễ vật thiêng liêng nhất cho ngày mời Trời về mừng xuân.

Du xuân ngày mời Then về bản hiếm khi thiếu vắng những con người từng sinh ra ở bản. Người ở xa, lấy chồng lấy vợ ở vùng khác cũng phải về bản để đón nhận sự may mắn mà Then ban phát. Đó là ngày tạ ơn cuội nguồn, tạ ơn những điều may mắn. 

Trong ngày xuân mời Then có thầy cúng hay con gọi là người rước đường để Then cho về bản. Người dẫn đường lúc này được coi như vị thần thứ 2 có sức mạnh tương đương với vị Then để chở che cho dân bản, mang mùa màng bội thu trong nắm tới. Sau khi cúng lễ vật dâng lên Then, người dân múa nhảy ca hát đón Then trở về.

Niềm vui đang say với điệu xòe thì cành hoa rung rinh khe khẽ. Đó là lúc Then đã hòa vào nhịp xuân với bản. Lúc đó mưa xuân sẽ lất phất tưới tắm cho cánh rừng, cho từng khuôn mặt dân bản bên dòng Nậm So.

Sau lễ mời Then dân bản hòa vào dòng Nậm So để cầu may mắn

Những giọt nước thiêng

Tiếng hát giao hòa ở Mường So làm cho Then cảm động hay những hạt mưa xuân để cây lá đơm hoa. Sự trùng lặp hy hữu có trong mùa xuân ở ngày mời Then về vui xuân, song bao giờ cũng thiêng liêng đối với dân bản. Sau mỗi khi cúng mời Then về, bao giờ cũng vậy, trời buông những hạt mưa xuân lất phất, đó chính là lúc thiên nhiên đang giao hòa mang đến cho dân bản luồng sinh khí mới. Ấy là khi dân bản đã trầm mình xuống dòng Nậm So để té lên những giọt nước trong trẻo đầu xuân cho mùa tươi tốt, bội thu trên nương vào năm tới. Lời nước gọi như làm cho Then hiểu được lễ cầu mùa của dân bản vào mỗi năm. Xuân trong mưa lạnh ở gió trời Tây Bắc, cũng không ngăn được dòng người của dân bản hòa vào dòng nước, mà họ cho rằng đó là Then ban phát lộc thiên nhiên.

Xưa nay, văn hóa Thái đã được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp và tính nhân văn của nó từ văn hóa vật chất nết ăn, cái mặc, và nơi ở... và đặc biệt phải nói đến văn hóa tinh thần, phong tục tập quán, lễ hội vào mỗi dịp vào xuân.

Cái lạnh mùa đông ở vùng núi Phong Thổ , Lai Châu không ngăn được dòng người vui hội xuân

Lễ  được tổ chức ven suối, nơi có bãi đất rộng, đó là những nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Thái ở vùng Tây Bắc. “Người Thái ăn theo nước” thì nước cũng đồng nghĩa với nơi lập bản, dựng mường. Trong ngày trọng đại, thầy cúng mời Then có thể là "ông" hoặc "bà". Họ được coi là những người đặc biệt trong cộng đồng, có năng lực giao tiếp với thế giới "siêu nhiên". Trong quan niệm của đồng bào Thái, Then là vị tối cao che chở cho dân bản, mang lại mùa màng cho dân bản. Người mời Then được dân bản đề cao, có tài học truyền khẩu các bài thơ, các bài hát, làn điệu trong Then, có năng lực ứng tác trong thơ ca, thuần thục phần nhạc đệm của cây đàn tính tẩu.

Theo phong tục, lễ mời Then về vui xuân, dân bản hòa dòng người vui hội. Những bông hoa bó mạ- loài hoa theo người Thái quan niệm Then ưa thích- được dâng lên Then khi năm cũ qua đi, để năm mới đến mang theo may mắn, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Mời Then về vui Tết cũng là lễ cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc của người Thái Trắng ở Mường So, Phong Thổ, Lai Châu.

(Còn nữa...)