Doanh nhân Trần Uyên Phương: Đã là đối tác kinh doanh, không chỉ nghĩ đến lợi nhuận tức thời

ANTD.VN - Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, để trở thành công ty top 10 châu Á trong ngành giải khát và thực phẩm thì doanh nghiệp này không thể đi một mình mà phải hợp tác với rất nhiều nhà cung cấp.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương (đứng) khẳng định liên kết tạo ra sức mạnh cho doanh nghiệp (ảnh: Thuần Thư)

Ngày 29-11, Tạp chí Nhà đầu tư (nhadautu.vn) tổ chức tọa đàm "Kết nối thương hiệu Việt". Tham luận tại buổi tọa đàm, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, ngay trong tên gọi của tập đoàn này đã nhấn mạnh ý nghĩa của liên kết, là hợp tác để phát triển.

Là một đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng, Tân Hiệp Phát luôn coi vấn đề của người tiêu dùng là vấn đề cuối cùng doanh nghiệp cần tìm cách giải quyết. “Chúng tôi đã có sự phát triển trong tư duy, trước đây chúng tôi mua đứt bán đoạn nguyên vật liệu sản xuất từ nhà cung cấp, nhưng sau này quan hệ trở thành là đối tác, có nghĩa là cần có sự chung tay xây dựng đạo đức kinh doanh.

Làm kinh doanh nên chúng tôi hiểu rằng nếu phải chia hoa hồng cho ai đó thì vẫn phải cắt ra trong chi phí từ sản phẩm. Như thế, sẽ khó có được môi trường kinh doanh tốt, sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Để có sản phẩm tốt mới là quan trọng chứ không phải là lợi nhuận tức thời”- Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết.

Tân Hiệp Phát tự tin đặt mục tiêu doanh nghiệp 100 năm với sự hợp tác của hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa (ảnh: Thuần Thư)

Bà Trần Uyên Phương cũng khẳng định, để trở thành công ty top 10 châu Á trong ngành giải khát và thực phẩm thì Tân Hiệp Phát quan niệm rằng, không thể đi một mình, mà phải hợp tác với nhiều nhà cung cấp. Đây chính là một trong những “bí quyết” khiến một doanh nghiệp địa phương có thể vượt qua được “người khổng lồ- Coca Cola”.

Theo đại diện của Tân Hiệp Phát, Tập đoàn có liên kết với hơn 2.500 nhà cung cấp. Tập đoàn thường xuyên trao đổi thông tin, đưa ra yêu cầu với nhà cung cấp, cùng họ xem quy trình sản xuất, kiểm tra sản phẩm để cùng nhau tìm ra giải pháp, thay vì chỉ nói “đạt hay không đạt”.

“Đối với nhà cung cấp, liên kết với một tập đoàn lớn được người tiêu dùng tin tưởng cũng giúp họ thêm tự tin là đang làm việc với một tập đoàn lớn, tập đoàn uy tín, từ đó nâng cao uy tín cho chính họ”- bà Uyên Phương cho hay.

Theo các chuyên gia, liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay tại Việt Nam còn rất lỏng lẻo, nhiều khi mâu thuẫn nên chưa phát huy được sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Đặng Thanh Vân- Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương hiệu và  quản trị Thanhs cho hay: “doanh nghiệp Việt Nam đang liên kết theo chiều ngang. Doanh nghiệp cùng quy mô, cùng ngành hàng... 

Chẳng hạn với việc đi chào hàng ở nước ngoài, chủ yếu nghiệp cùng ngành, cùng lĩnh vực tổ chức đi cùng nhau chứ không phải doanh nghiệp bổ sung năng lực cho nhau, chẳng hạn như doanh nghiệp sản xuất đi cùng doanh nghiệp Luật, doanh nghiệp bán hàng… nên hiệu quả không cao”.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn, liên kết để cùng tạo nên sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh đến sự phồn thịnh.