Doanh nhân nơi nghị trường

ANTĐ - Thế giới có rất nhiều doanh nhân tiến vào vũ đài chính trị và đã gặt hái được thành công rực rỡ. Việt Nam cũng không thiếu những doanh nhân “chuyển ngạch” thành chính khách và nhiều người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Tuy thế, trước nay, hầu hết những vị đó đều xuất thân từ các doanh nghiệp lớn của Nhà nước nên thực chất vẫn được coi là “người nhà ta cả”.

Với 38 đại diện trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, tăng 46%, có thể nói, giới doanh nhân kỳ này đã thành công lớn (Quốc hội khóa XII có 26 doanh nhân). Nhiều cơ quan báo chí đã không ngần ngại gọi đây là “làn sóng” doanh nhân tiến vào nghị trường. Bên cạnh những kỳ vọng, có ý kiến e ngại doanh nhân sẽ sử dụng vai trò trên nghị trường cho lợi ích cục bộ, cá nhân. Họ lo những ĐBQH - doanh nhân, thay vì bảo vệ quyền lợi của cử tri, sẽ chỉ chú tâm “lobby” chính sách để làm lợi cho doanh nghiệp.

Ở Quốc hội khóa XII, đứng cạnh những trí thức lớn, một số doanh nhân để lại ấn tượng với cử tri về sự sắc sảo và tâm huyết. Không chỉ ở các buổi thảo luận tổ hay ở hội trường, kiến thức và kinh nghiệm thương trường đã giúp họ có được những ý kiến xác đáng và giá trị, không riêng gì trong lĩnh vực kinh tế, vốn là “sân chơi” của họ. Ngay ở những phiên chất vấn, cử tri thực sự hài lòng với sự quyết liệt của một số vị giám đốc khi họ “đeo bám” các thành viên Chính phủ. Nhiều lời ngợi khen đã được gửi tới các doanh nhân dũng cảm sau mỗi kỳ tiếp xúc cử tri. Đáng tiếc, số này có lẽ không vượt quá được phần lẻ của con số 26.

Ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, một vài ĐBQH - doanh nhân đã gặp phải điều tiếng không hay từ dư luận. Có người đang được cơ quan chức năng thẩm tra lại tư cách ĐBQH, người khác là chủ doanh nghiệp mới bị phát hiện có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về môi trường... Tất nhiên, số này rất nhỏ so với con số 38 nhưng cũng cho thấy, khi đã mang danh  ĐBQH, doanh nhân sẽ phải chịu sự giám sát và áp lực lớn hơn rất nhiều từ cộng đồng.

Quốc hội khóa XIII sắp bước vào kỳ họp thứ 2. Sau những dè dặt, thận trọng ban đầu do thiếu kinh nghiệm nghị trường, những ĐBQH - doanh nhân chắc chắn đã có những “bài học” thực tiễn rút ra từ Kỳ họp thứ 1. Chúng ta sẽ tiếp tục chờ đợi, xem những ĐBQH - doanh nhân sẽ có đóng góp gì cho cử tri, cho đất nước trong nhiệm kỳ dài sắp tới.