Doanh nhân Hồ Huy và khát vọng "xanh"

ANTD.VN - Một Mai Linh trên hành trình nỗ lực không ngưng nghỉ. Một Mai Linh quyết tâm hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả. Một Mai Linh tràn đầy khát vọng“xanh” bảo vệ môi trường. Có thể thấy điều đó qua những chia sẻ của ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh với báo An ninh Thủ đô.

Hội nhập quốc tế mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Xin ông cho biết tình hình trong lĩnh vực kinh doanh taxi như thế nào?

Kinh doanh taxi là lĩnh vực có nhiều cạnh tranh. Trước đây, những doanh nghiệp taxi làm ăn đàng hoàng phải đối mặt với nạn taxi dù, taxi nhái, thì nay, cạnh tranh khốc liệt không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn với doanh nghiệp nước ngoài. Như hiện tại, các doanh nghiệp taxi truyền thống đang phải cạnh tranh với Uber, Grab trong một “sân chơi” bất công bằng về điều kiện kinh doanh. Uber vốn là một công ty công nghệ của Hà Lan, không có giấy phép hoạt động vận tải mà lại đang tuyển dụng lái xe, hoạt động kinh doanh như taxi. Uber không đóngthuế cho nhà nước Việt Nam, không mua bảo hiểm cho lái xe, bảo hiểm phương tiện, không chịu bất kỳ sự quản lý nào, trong khi taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì nó liên quan đến tính mạng con người. Một doanh nghiệp taxi như chúng tôi muốn hoạt động phải tuân thủ chặt chẽ nhiều qui định, phải đóng thuế đầy đủ, đầu tư nhiều chi phí cho thiết bị giám sát hành trình, chi phí kiểm định phương tiện một năm hai lần, chi phí khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cho lái xe, chi phí lập trình điều chỉnh giá cước khi giá xăng lên xuống…

Đoàn xe Mai Linh diễu hành tuyên truyền "Vì an toàn giao thông"

Chúng tôi chỉ được điều chỉnh giá khi có ý kiến đồng ý của Sở Tài chính và phải mất thời gian chờ đợi để dán tem đồng hồ cước, trong khi Uber được thả nổi, có thể hạ giá cước để kéo khách khi thấp điểm, nhưng khi cao điểm hay lễ tết có thể tăng gấp vài lần giá cước taxi truyền thống. Tôi nghĩ rằng, cạnh tranh là qui luật tất yếu của kinh tế thị trường. Tự thân mỗi doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại và phát triển trong hội nhập quốc tế khi VN gia nhập TPP và các hiệp định thương mại khu vực và thế giới, nhưng “luật chơi” phải công bằng cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tiêu cực nói trên thì chính cạnh tranh cũng mang lại những yếu tố tích cực, nó thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phải cải tiến, nỗ lực nhiều hơn để ứng dụng công nghệ, giảm chi phí từ đó giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng tương tác với khách hàng.

Đổi mới để phát triển

Vậy trong môi trường cạnh tranh đó Mai Linh có chiến lược nào để tồn tại?

Trong bối cảnh hiện nay, kinh doanh không thể cầu may mà phải có chiến lược rõ ràng. Thời thế khác và thói quen tiêu dùng của con người cũng khác, nhu cầu về chất lượng ngày một cao hơn. Mình tiến một bước thì đối thủ cạnh tranh cũng có thể tiến một bước, thậm chí là hai. Chúng tôi hiểu rằng để tồn tại và phát triển chỉ có con đường duy nhất là phải thay đổi để cạnh tranh, hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả. Để chuyên nghiệp thì phải rất bài bản, bởi vậy, Tập đoàn Mai Linh đang sử dụng dịch vụ tư vấn của các công ty hàng đầu trên thế giới như PwC (tư vấn về cơ cấu tổ chức), Deloitte (tư vấn về tài chính, kế toán, kiểm toán), KPMG (tư vấn hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp- ERP) để tái cấu trúc, tinh giản bộ máy, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, quản trị minh bạch, kiểm soát tài chính tập trung, kiểm soát dòng tiền.

 Các chương trình về nguồn của Mai Linh luôn kết hợp với đào tạo văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh cho CBNV

Để hiện đại thì phải ứng dụng công nghệ vào quản trị, tăng chất lượng dịch vụ, thích ứng kịp thời với thói quen tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng. Hiện Mai Linh đang xây dựng phần mềm app taxi, kết hợp tối ưu truyền thống và công nghệ. Hành khách có thể gọi đến tổng đài cũng như gọi trực tiếp cho lái xe ở địa điểm gần mình nhất; có thể chọn xe với đầy đủ thông tin cần thiết về xe và tài, hành trình đi và cước dự tính. Việc thanh toán cũng sẽ thuận lợi, linh hoạt hơn khi khách hàng có thể sử dụng tất cả các loại thẻ ATM mà không cần tiền mặt. Chúng tôi tin rằng, một khi Mai Linh sử dụng lợi thế sẵn có là thương hiệu uy tín, kết nối hệ thống (Mai Linh đã có mặt trên 53 tỉnh, thành), cùng với chuẩn mực quốc tế và tiện ích công nghệ thì lợi thế cạnh tranh sẽ hơn hẳn.

Chiến lược này đã mang lại hiệu quả như thế nào trong năm vừa qua thưa ông?

Năm tài chính 2015, kết quả kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (MLG) đạt lợi nhuận trước thuế gần 50 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 162 tỷ, gấp 10 lần lợi nhuận năm 2014 (đã được kiểm toán độc lập Deloitte xác nhận). Tình hình tài chính công ty đang ổn định, đảm bảo trong mức an toàn. MLG đã kiểm soát tốt dòng tiền, không phát sinh nợ quá hạn liên quan đến ngân hàng, thuế, bảo hiểm xã hội. Đối với các khoản nợ cũ thì tiến hành khoanh nợ và có kế hoạch thanh toán dần.

Trong năm 2015, MLG đã thay mới trên 90% phương tiện taxi tại TP.HCM, ứng dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, tăng doanh thu, tiết giảm triệt để chi phí. Ưu tiên giải quyết nợ bảo hiểm, nợ bên ngoài, đồng thời MLG cũng thành lập Ban xử lý nợ nội bộ, tập trung rà soát và đề ra biện pháp cấn trừ, xử lý, thu hồi công nợ tồn đọng, phát sinh trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Các đơn vị thành viên trong toàn hệ thống đang tích cực kết nối dịch vụ và hỗ trợ nhau, đặc biệt hai công ty HHI và HHT đã đầu tư nguồn vốn mua sắm phương tiện, đầu tư công nghệ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của MLG. Trong giai đoạn khó khăn nhất, hai công ty HHI và HHT thực sự như đôi chân, đôi cánh của MLG, làm đòn bẩy cho MLG vượt ra khỏi hố sâu khủng hoảng.

Chủ tịch Hồ Huy tham gia làm bài tập trong lớp học cùng CBNV

Về mặt tổ chức, quản lý, MLG đang thực hiện tái cấu trúc, mạnh dạn cắt bỏ những gì không phù hợp. Quá trình này không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung giữa tất cả mọi người, thậm chí cả trong hội đồng quản trị. Tất nhiên, sự thay đổi nào cũng không dễ dàng, cắt bỏ cái gì đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân ai đó, sẽ có những phản ứng đau đớn, nhưng người lãnh đạo phải có bản lĩnh và lấy cái chung làm gốc, hành động vì lợi ích chung của người lao động, vì sự phát triển của tập đoàn.

Nung nấu khát vọng xanh

Được biết ông là người chú trọng xây dựng văn hóa “uống nước nhớ nguồn” cho CBNV. Ông đã làm điều đó như thế nào?

Con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công. Xây dựng con người cũng là việc làm khó khăn nhất. Kinh doanh taxi vốn là một ngành nghề phức tạp, với một doanh nghiệp có qui mô lớn như Mai Linh, quản lý điều hành gần 30.000 lái xe thật sự không đơn giản. Ý thức được điều đó, chúng tôi luôn chú trọng việc đào tạo con người. “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp Mai Linh. Hàng năm, công ty đều tổ chức các chương trình về nguồn để giáo dục và củng cố tinh thần đó. Các khóa huấn luyện đào tạo cho đội ngũ lái xe cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo điều hành đều thấm nhuần triết lý kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì trách nhiệm xã hội. Tôi vẫn nói với các nhân viên của mình rằng, đã chọn kinh doanh taxi nghĩa là chọn một hành trình không ngưng nghỉ. Trên hành trình đó luôn có ai đó gọi bạn, và không thể để họ chờ đợi, bạn phải ngay lập tức có mặt và đồng hành cùng họ.

Mai Linh lớn mạnh như ngày nay là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đoàn kết tập thể và tinh thần phát huy nội lực của mỗi CBNV. Tôi tự hào vì trải qua 23 năm đầy sóng gió và thử thách, hơn 30.000 CBNV Mai Linh vẫn gắn kết bên nhau, bền bỉ “chiến đấu” để những chiếc xe màu xanh luôn tiến về phía trước.

Đã có thể chọn một cuộc sống dễ dàng cho bản thân mình, sao ông lại chọn thử thách?

Đúng là với tôi, việc kiếm tiền và chọn cuộc sống dễ dàng cho bản thân và gia đình thì không khó. Nếu chỉ lo cho mình thì đơn giản quá. Nhưng tôi còn có trách nhiệm với hơn 30.000 người lao động và gia đình, con cái của họ. Tôi luôn nung nấu ý chí “làm trai cho đáng nên trai”, sống phải có khát vọng, có lý tưởng, có ước mơ, phải làm được một cái gì đó lớn hơn, có ý nghĩa hơn cho cuộc đời. Khát vọng của tôi là xây dựng một thương hiệu Việt nổi tiếng. Không có lý gì để doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà, nên cho dù khó đến mấy cũng phải làm được. 23 năm gây dựng công ty đầy những thăng trầm, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Tôi sẽ “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” đúng như tinh thần của một người lính Cụ Hồ.

Thương hiệu Mai Linh nổi tiếng với màu xanh – xe taxi xanh, đồng phục áo dài xanh, cà vạt xanh, nội thất văn phòng cũng xanh… Hình như ông cũng đang ấp ủ khát vọng“xanh”?

Từ lúc rời chiến trường đi vào thương trường, tôi luôn nuôi khát vọng tiên phong. Khát vọng“xanh” của tôi là một ngày gần đây, chúng tôi sẽ thay thế được xe taxi chạy nhiên liệu xăng dầu truyền thống bằng xe điện, sử dụng nhiên liệu sạch, vì mục tiêu bảo vệ môi trường. Chúng tôi đang triển khai dự án nhập xe điện của hãng Renault, Tesla và Nissan, trước mắt chạy thử nghiệm ở thành phố Hà Nội và TP.HCM và Đà Nẵng.

Như tôi đã nói, đổi mới là một quá trình khó khăn, và làm người đi đầu là phải chấp nhận cả nguy hiểm, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện khát vọng của mình. Ai cũng sợ rủi ro thì cái mới sẽ không có cơ hội. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tương lai, thân thiện với môi trường chính là phát triển bền vững. Chúng tôi mong rằng Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp; các cấp chính quyền, ban ngành địa phươngủng hộ giúp doanh nghiệp chúng tôi có thêm sức mạnh, niềm tin để phát triển và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Xin chúc ông thành công và thực hiện được khát vọng của mình!

“Sự thay đổi nào cũng không dễ dàng, cắt bỏ cái gì đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân ai đó, sẽ có những phản ứng đau đớn, nhưng người lãnh đạo phải có bản lĩnh và lấy cái chung làm gốc, hành động vì lợi ích chung của người lao động, vì sự phát triển của Tập đoàn.

Doanh nhân Hồ Huy và khát vọng "xanh" ảnh 4

Đổi mới là một quá trình khó khăn và làm người đi đầu là phải chấp nhận cả nguy hiểm, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện khát vọng của mình. Ai cũng sợ rủi ro thì cái mới sẽ không có cơ hội”.