Phát triển công nghiệp phụ trợ:

Doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt điểm trung bình

ANTĐ - Đó là nhận xét của ông Shim Won Hwan- Tổng Giám đốc khu tổ hợp sản xuất Samsung Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ cung cấp được sản phẩm in ấn và bao bì cho nhà sản xuất này. 
Doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt điểm trung bình ảnh 1
Công nghiệp phụ trợ mới cung ứng được sản phẩm giản đơn

Từ chuyện cung ứng linh kiện cho Samsung

GS. TSKH Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: “Khi Samsung đưa danh sách các linh kiện cần hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, họ hỏi bao nhiêu doanh nghiệp có thể làm được. Tôi bảo không doanh nghiệp nào làm được vì chưa bao giờ doanh nghiệp Việt làm kiểu này”. Trên thực tế, có 7/93 doanh nghiệp Việt Nam làm doanh nghiệp hỗ trợ cho Samsung. 

Theo Giám đốc Phụ trách mua hàng của Samsung Việt Nam, ông Chang Ha Yong, để có thể trở thành nhà cung cấp của Samsung thì doanh nghiệp phụ trợ phải đảm bảo được 8 yếu tố, gồm: công nghệ, cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu phát triển, chất lượng phải được kiểm soát, đảm bảo chứng nhận ISO; có khả năng quyết định, đối ứng nhanh chóng đối với yêu cầu của công ty mua; dữ liệu được quản lý tốt; có khả năng sản xuất nhanh và giao hàng trong trường hợp cần gấp; giá cả cạnh tranh; tuân thủ luật về môi trường; chỉ số tín dụng, tỷ lệ nợ; tuân thủ các luật liên quan đến lao động... 

Trực tiếp lắng nghe những yêu cầu từ Samsung, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) nhận định: “Khó có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Buổi tiếp xúc giữa Samsung và hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam chỉ là hình thức “khám sức khỏe doanh nghiệp”. Nếu có doanh nghiệp nào đạt 10 điểm thì tốt, nhưng theo tôi là khó. Sẽ có điểm 6, điểm 7 và cả điểm dưới trung bình”. 

Đại diện Công ty TNHH Tabuchi Electric (Nhật Bản), bà Nguyễn Thị Tuyển thẳng thắn: “Tôi đã xem danh mục sản phẩm phụ trợ của Sam Sung và cảm nhận rất ít, thậm chí không doanh nghiệp Việt Nam nào có thể làm được các sản phẩm như họ yêu cầu”.

Đến “bức tranh” công nghiệp phụ trợ

Theo đại diện của công ty Canon Việt Nam, doanh nghiệp này đã nhiều lần gửi bản giới thiệu danh mục phụ tùng mời chào doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Tỷ lệ nội địa tại Canon Việt Nam đạt 65%. Nhiều linh kiện điện tử đã được sản xuất ở trong nước nhưng linh kiện bán dẫn và các thiết bị kết nối vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. “Có doanh nghiệp Việt Nam đã cung ứng được bao bì đóng gói sản phẩm cho Canon nhưng vẫn có phụ kiện phải nhập khẩu. Các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến phụ tùng mà chưa quan tâm đến nguyên phụ liệu”- Đại diện Canon cho biết. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Cao Quốc Hưng cho hay, trên cả nước hiện có 500 doanh nghiệp cung ứng phụ kiện cho ngành dệt may, xe máy, ô tô, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ở lĩnh vực đóng tàu, hàng sản xuất trong nước cũng chiếm khoảng 10%. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận xét: “Tỷ lệ nội địa như vậy là thấp trong bối cảnh hội nhập, đặt ra thách thức cho nền sản xuất trong nước”.

Khái quát về “bức tranh” công nghiệp phụ trợ Việt Nam, bà Trương Thị Mỹ Bình- Thành viên tổ soạn thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ cho rằng: “Thị trường nội địa, dung lượng và sự chi phối của các nhà lắp ráp nước ngoài làm doanh nghiệp trong nước tham khó gia. Câu chuyện của Samsung là một ví dụ. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, mức độ sản xuất và năng lực hạn chế nên ít tham gia sản xuất được cho doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, chính sách không ép được doanh nghiệp tăng nhanh nội địa hóa nên năng lực khoa học công nghệ của doanh nghiệp yếu dần, số lượng doanh nghiệp trẻ tham gia vào lĩnh vực này cũng ít đi. Vì vậy, phải nỗ lực kéo các doanh nghiệp tham gia “cuộc chơi” này”.

(Còn nữa)