Doanh nghiệp vẫn còn khổ

ANTĐ - Dự báo, tình hình kinh tế năm 2014 có thể khá hơn hoặc có khả năng kém đi, tùy thuộc vào chính sách và sự điều hành kinh tế, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp. Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014”.

Những con số được công bố cuối năm 2013 và 3 tháng đầu năm nay cho thấy, “sức khỏe” của nền kinh tế đã có đôi chút chuyển biến tích cực. Lạm phát thấp, tăng trưởng nhích lên, xuất khẩu khá, cán cân thanh toán được đảm bảo, tỷ giá ổn định. 

Bên cạnh những điểm sáng đó, thách thức vẫn nặng nề đối với cả nền kinh tế và từng doanh nghiệp. Nền kinh tế không thể khởi sắc khi các doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Con số 79.000 doanh nghiệp đăng ký mới và 13.000 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất đã hoạt động trở lại là tín hiệu đáng mừng. Song, số doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản lên tới 61.000, còn những doanh nghiệp đăng ký mới chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ, giảm dần trong khu vực sản xuất. Điều này phản ánh đúng một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho cao và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Lạm phát được kiềm chế nhưng chưa thực sự bền vững, sức mua yếu khó kích thích doanh nghiệp đầu tư đẩy mạnh sản xuất.

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ trở lại nên cần có sự điều chỉnh chính sách ngắn hạn, trong đó nên rút lại chính sách kích thích kinh tế áp dụng từ năm 2011 đến nay. Bởi vì nếu tiếp tục các gói kích thích bất động sản, chính sách lãi suất thấp thì dòng vốn sẽ chảy sang khu vực mang lại lợi nhuận nhanh hơn và sẽ tạo nên “bong bóng” nhỏ. Trong khi đó, tình trạng môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chưa thực sự bình đẳng. Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hàng nghìn doanh nghiệp đang sống dở, chết dở vì bị cơ quan thuế buộc phải thu hồi các hóa đơn giá trị gia tăng đã phát hành từ tháng 3 về trước để tiêu hủy, đồng thời phải sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế. Điều đáng nói là chính cơ quan thuế, trước đó đã cho phép doanh nghiệp được phát hành hóa đơn để sử dụng. Tuơng tự, cuối năm ngoái, hàng loạt doanh nghiệp “ngã ngửa” khi bị cơ quan thuế truy thu hàng tỷ, thậm chí có công ty hàng trăm tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nguyên nhân là vì chính sách ưu đãi thuế thiếu nhất quán, thậm chí “đá” nhau. 

Sự thay đổi liên tục, đột ngột của chính sách thuế nói riêng và nhiều cơ chế, chính sách nói chung, thực sự là vấn đề lớn tồn tại như một “khối u” trong môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng vẫn chưa được “cắt bỏ” quyết liệt. Nó trở thành nỗi ám ảnh khiến doanh nghiệp lo lắng, rồi chuyện đề xuất siết, cấm, hạn chế và những loại thuế, phí không chỉ kìm hãm sự phát triển mà còn làm khổ doanh nghiệp.