Doanh nghiệp tư nhân mong muốn được bình đẳng trong nền kinh tế

ANTD.VN - Đại diện các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước cho rằng, cần có chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành lắng nghe doanh nghiệp tư nhân hiến kế để phát triển

Thẳng thắn đóng góp ý kiến để doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh tại phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, diễn ra chiều 2-5, bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air cho hay, cứ 1% tăng trưởng của hàng không tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 -15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8-7% mỗi năm.

Đại diện Vietjet kiến nghị, Chính phủ, Bộ GTVT ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.

“Doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, hãng tính phải 60-70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án có ý nghĩa lịch sử, một địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Do đó, hãng nhận thấy cần đầu tư thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, một vùng kinh tế phát triển văn minh”- bà Nguyễn Thanh Hà nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân mong được sự đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong. 

Đưa ra con số chứng minh cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô ngày càng khốc liệt, ông Phạm Văn Tài- Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO) kiến nghị, Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành.

Đồng thời, cần tiến hành hậu thanh, kiểm tra điều kiện để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% là tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu đạt 40% đối với các xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN nhằm tránh gian lận thương mại và thất thu thuế.

Theo Tổng giám đốc THACO, để đạt được tỷ lệ nội địa hóa 40% là rất khó, nhất là đối với những mẫu xe du lịch cao cấp.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, rất nhiều doanh nghiệp đang muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Miura, doanh nghiệp Nhật Bản còn e ngại vì tính dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam còn thấp, phía doanh nghiệp không thể ứng phó kịp thời, dẫn đến tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, khó có thể dự kiến được lịch làm việc. Đây là yếu tố cản trở hoạt động đầu tư liên tục của doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp để khắc phục tình trạng này.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, các bộ, ngành của Việt Nam đã rất quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm khoảng 6.300 tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang xếp 69/169 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục cải cách, để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Việt Nam hiện có hơn 715.000 doanh nghiệp tư nhân. Khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp 30% GDP cả nước. Lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83%... Khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là "rường cột" của nền kinh tế.