Doanh nghiệp trước "sân chơi" TPP: Tự tin không có nghĩa là "liều"

ANTĐ - “Việt Nam vẫn “chung sân” với Lào, Campuchia”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thẳng thắn nói như vậy tại hội thảo “Hiệp định TPP - Những điều doanh nghiệp cần biết” diễn ra ngày 29-1. Theo bà Phạm Chi Lan, với thực trạng cải cách chậm như vậy thì khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng ta lo nhiều hơn mừng.

Doanh nghiệp trước "sân chơi" TPP: Tự tin không có nghĩa là "liều" ảnh 1Môi trường kinh doanh tốt giúp doanh nghiệp khai thác được lợi thế từ FTA

Bà Phạm Chi Lan cho biết: “Việt Nam đã có 30 năm đổi mới nhưng vẫn là nửa Nhà nước, nửa thị trường. Tuy nhiên, một khi đã chấp nhận tham gia sân chơi chung với Mỹ thì không thể tiếp tục chơi bằng nửa sức mình”. Theo vị chuyên gia này, vì nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn nửa vời nên ta chưa có môi trường kinh doanh chung. Thực trạng này có liên quan mật thiết đến tình trạng số lượng doanh nghiệp “chết yểu” tăng. “Bản thân doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Năm 2015, hơn 83.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong bối cảnh kinh tế khởi sắc. 30 năm đổi mới mà nhiều việc chúng ta không làm được, vẫn nằm “cùng sân” với Lào, Campuchia và Myanmar. Nhưng một vài năm gần đây, họ đã tăng trưởng tốt, không biết Việt Nam sắp tới có vươn lên được không”? - bà Phạm Chi Lan lo lắng nói.

Đánh giá về những cơ hội cũng như thách thức do TPP mang lại, bà Lê Thị Thu Nga - Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, thách thức lớn nhất của TPP là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vì quy mô doanh nghiệp trong lĩnh vực này của Việt Nam không lớn. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương thì “không nên quá bi quan”. “Thời bao cấp chúng ta không đủ gạo ăn nhưng sau đổi mới lại xuất khẩu gạo vươn lên nhất nhì thế giới. Doanh nghiệp cần tìm được con đường đi riêng, nhận ra thách thức để xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh riêng”- bà Lê Thị Thu Nga chia sẻ. 

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Đã chơi là phải tự tin. Nếu chỉ lo ngại, không tự tin thì đàm phán để làm gì?”. Theo Phó Viện trưởng CIEM thì tự tin không đồng nghĩa với “liều”, mà là tự tin dựa trên thực tế. Vị này dẫn chứng, trước đây có nhiều ý kiến lo ngại FTA với Hoa Kỳ, nhưng hiện tại Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi ta “thua” Hoa Kỳ toàn diện. “Hội nhập là dựa vào lợi thế so sánh, chỗ nào và bất cứ ở đâu, dù là người yếu nhất cũng có lợi thế này. Có khó khăn, thách thức nhưng đừng thấy họ mạnh mà đáng sợ, mà hãy tự tin”- ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.