Doanh nghiệp tin tình hình sẽ được cải thiện

ANTĐ - Báo cáo thường niên của doanh nghiệp Việt Nam được Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) công bố ngày 8-4 cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang có niềm tin mạnh mẽ vào tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2014 sẽ được cải thiện.

Đổi mới toàn diện để tăng trưởng bền vững

Doanh nghiệp lạc quan

Theo điều tra của VCCI, chỉ số động thái dự cảm của doanh nghiệp năm 2014 là 7 điểm, trái ngược với chỉ số mang giá trị âm của năm 2013 (âm 8 điểm). Theo đó, doanh số năm nay sẽ được cải thiện rất lớn so với năm ngoái. Giá bán bình quân của các loại hàng hóa có xu hướng tăng lên trong năm 2014 thay vì việc các doanh nghiệp sử dụng nhiều biện pháp giảm giá bán, tăng chiết khấu để giải quyết hàng tồn kho trong năm 2013. Hiệu suất sử dụng máy móc cũng sẽ cao hơn nhiều so với năm 2013 do doanh nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu khiến nguồn lực của họ được khai thác triệt để hơn. Năng suất lao động cũng được dự cảm tăng, chứng tỏ doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức tăng trưởng không chỉ dựa vào yếu tố vốn mà phải dựa trên năng suất lao động. 

Khảo sát cho thấy hầu hết các doanh nghiệp có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014 (chiếm 50,7%). 42,5% doanh nghiệp được hỏi có thể mở rộng quy mô kinh doanh và chỉ 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, 0,1% doanh nghiệp có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp quyết định mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh là do tin tưởng vào triển vọng kinh tế thuận lợi và sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh cao. 

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI, vấn đề đáng lo ngại hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam là sức cạnh tranh vẫn phục hồi chậm. Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ đi; năng suất lao động ít được cải thiện; chi phí nghiên cứu của doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với lợi nhuận trước thuế, không đủ để tạo ra sự đột phá trong đầu tư đổi mới khoa học công nghệ. Điều này khiến Việt Nam khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Đổi mới cả doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ. Quá trình này sẽ không phủ nhận vai trò dẫn dắt của khối doanh nghiệp này nhưng vẫn tạo nên sự thay đổi đáng kể.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho hay, ở Mỹ, 30% mua sắm của Chính phủ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn Hàn Quốc lại cấm doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. “Ở Việt Nam thì ngược lại. Còn có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, chưa có môi trường cạnh tranh bình đẳng. Chúng tôi đã đề nghị “biến” các ngân hàng thương mại thành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo tôi, khối doanh nghiệp tư nhân ở nước ta còn nhỏ bé, năng lực tài chính và công nghệ đều yếu thì nên dùng doanh nghiệp Nhà nước để thực hiện chính sách công nghiệp. Cùng với đó cần tổ chức hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khởi nghiệp, tạo lập thị trường” - ông Trương Đình Tuyển nói. 

Theo ông Bùi Văn Cường- Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ ở Việt Nam hiện chiếm hơn 70% tổng số doanh nghiệp. Đợt suy thoái này sẽ khiến tất cả các doanh nghiệp phải tìm cách phát triển bền vững. “Chúng ta thường nói tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nhưng không phải chỉ có thành phần doanh nghiệp nhà nước mới cần tái cơ cấu, mà tất cả các doanh nghiệp phải cùng làm. Nếu doanh nghiệp nào không thực hiện thì sẽ không có tăng trưởng”.